Mình thực sự thừa nhận rằng mình không am hiểu các phương pháp giáo dục cho lắm, sách nào mình đọc được chứ sách về giáo dục thì đọc được mấy câu thì mình buồn ngủ luôn, thằng bạn thân nó cũng ra rả vô tai cả mấy năm, nghe thôi chứ cũng không để tâm lắm. Ông bà nói rồi: "dốt thì hay nói chữ", mình cũng không ngoại lệ. Vì mình cũng không hiểu lắm về hai phương pháp giáo dục này thành ra mình cũng không thích lắm, nhưng cũng viết ra đây vài lời suy nghĩ của mình, chỉ là "vài lời" nên sẽ vô cùng thiếu sót nhé, mình cũng không định nghĩa gì về hai phương pháp này đâu, các bạn muốn tìm hiểu hai phương pháp này phải tự Google thôi.

Về người sáng lập

Đối với mình cái này là quan trọng nhất, hiểu người sáng lập sẽ hiểu được lý do vì sao phương pháp này nó lại thế.

  • Phương pháp Steiner được sáng lập bởi Rudolf Steiner, anh ấy là một triết gia, anh ấy học với 3 triết gia rất nổi tiếng của Đức là Immanuel Kant, Johann FichteFriedrich Schelling. Ba ông này đều là triết gia Đức điển hình, xây dựng và phát triển Chủ nghĩa Duy tâm Đức (German Idealism, tiếng Việt hiện nay dịch Idealism là Chủ nghĩa Duy tâm, nhưng Idealism có nghĩa là những gì lý tưởng, phi thực tế: "the belief in philosophy that objects in the world are ideas that only exist in the mind of God or people who see them"). Một điều cần nhớ là hồi nhỏ cha anh ấy mâu thuẫn với nhà trường nên cho anh ấy học ở nhà, anh ấy học ĐH ở Viện kỹ thuật Vienna thì cũng không tốt nghiệp. Thôi tới đây thì bạn hãy ghi nhớ hai chữ "triết gia" và "lý tưởng/duy tâm" trong đầu, và cố tượng tượng nó với bất cứ điều gì về nước Đức mà bạn biết.
  • Phương pháp Montessori được sáng lập bởi Maria Montessori, một bác sỹ. Không thấy đề cập gì tới thầy chị ấy lắm, nhưng lưu ý rằng chị ấy đã cãi lại gia đình học lên rất cao so với phụ nữ đương thời. Ở tuổi 13, chị ấy học tiếng Italia, hình học, đại số, kế toán, lịch sử, địa lý, khoa học. Ở tuổi 16, chị học tiếng Italia, Toán, lịch sử, địa lý, hình học, vẽ trang trí, vật lý, hóa học, động vật học, thực vật học và hai ngoại ngữ. Bạn thấy chị ấy là cô bé 16 tuổi mà khủng chưa, sau này thì chị còn học cả núi cái nữa, lưu ý rằng chị ấy có học philosophy nhưng thời đó philosophy là psychology (tâm lý học) chứ không phải triết học. Đọc tới đây, bạn hãy ghi nhớ hai chữ "bác sỹ" và "khoa học" trong đầu và cố gắng tưởng tượng nó với những gì bạn biết về nước Italia. Nên nhớ là chị ấy là BS nhưng sau này có chăm sóc trẻ đặc biệt, có vấn đề về nhận thức, bị bệnh hoặc bị liệt.

Tới đây, bạn cố gắng đoán thử xem nhà triết học theo Kant-style thì dạy con thế nào? BS kiêm nhà khoa học thì dạy con thế nào? Bạn nghĩ thêm nữa là nếu một người bỏ học mà vẫn thành công thì có dạy con về tầm quan trọng của trường học truyền thống (mainstream) không?

Ở trên mình đã dẫn link wiki cho hai anh chị sáng lập, nó bằng tiếng Anh có thể sẽ gây khó khăn với một vài bạn yếu tiếng Anh. Nhưng hiểu người sáng lập thôi thì chưa đủ, muốn hiểu rõ phương pháp thì phải tìm hiểu cả đặc tính dân tộc của Đức và Italia, tưởng tượng được hoàn cảnh sống của các nhà sáng lập vào thời điểm đó nữa. Thú thật là mình đề nghị cho vui thế thôi, chứ hiểu rõ người sáng lập mình thấy đã muốn đứt hơi rồi. Mình chỉ muốn nhấn mạnh rằng, không hiểu về người sáng lập, hoàn cảnh sáng lập thì sẽ nảy sinh rất nhiều câu hỏi tại sao mà rất khó trả lời. Thêm nữa là đôi khi chúng ta nghĩ là mình hiểu lời hai anh chị này nói, nhưng thực sự có thể là không hiểu lắm hoặc hiểu sai, vấn đề thì không thể nào đứng một mình rời ngữ cảnh được.

Và một người mình muốn nhắc đến nữa đó là mình, hehe. Các bạn có thể cười rằng mình là một người vô danh tiểu tốt, sao đứng với hai cây đa cầy đề này được. Tất nhiên là các bạn đúng, nhưng với con gái mình thì mình mới là người quan trọng, cháu không biết hai cây đa cây đề kia đâu, nên cháu cũng không thể tự chọn trường mầm non cho cháu học được. Về background của mình thì mình chỉ là một người từ quê lên, học một ĐH về Kỹ thuật tầm trung ở TpHCM, hơi có chút tò mò về phương pháp giáo dục, thế thôi. Mình phải giới thiệu sơ sơ mình một chút để các bạn hiểu rằng, thế giới quan của mình rất khác hai người kia. Một điều nữa mình phải nhấn mạnh là con người thì luôn luôn phiến diện, dù ít hay nhiều, nếu không phiến diện thì đã là nhà thông thái, nhà hiền triết rồi. Do đó, nếu các bạn thấy phương pháp này ổn thì có khả năng sẽ đả kích phương pháp bên kia, đó là chuyện "bình thường như cân đường hộp sữa", không có gì phải giấu giếm hay xấu hổ cả, chúng ta là người bình thường, sống một cuộc sống bình thường, phiến diện là đương nhiên, kể cả hai anh chị trên. Trong các cuộc tranh cãi thực tế, mình luôn luôn yêu cầu người đang tranh cãi là tuyệt đối không được coi triết lý hay phương pháp giáo dục của mình là chân lý. Lý do rất đơn giản, hai mệnh đề mâu thuẫn nhau mà có một cái là chân lý thì cái kia chắc chắn là sai, ở đây phương pháp chỉ là sự lựa chọn, không đúng hay sai gì cả.

Về hoàn cảnh ra đời phương pháp

Hoàn cảnh thì hẳn phải rất là dài, không ai tạo ra phương pháp trong 1 ngày. Ở dưới mình viết ngắn về "lần đầu" của anh chị thôi.

  • Phương pháp Steiner: tóm lại là các công nhân nhà máy thuốc là ở Stuttgard có con nhỏ, thế là anh nhảy vào dạy, chứ chỗ thì ghi là có tỷ phú nhờ, chỗ thì ghi là các công nhân nhờ, cứ hiểu là anh rảnh thì anh dạy vậy thôi.
  • Phương pháp Montessori: có một chỗ tên là Casa dei Bambini nằm ở 1 khu nghèo ở Rome, có 50-60 trẻ từ 3-7 tuổi thuộc gia đình nghèo, hoặc các cháu có vấn đề về tâm lý, chị thấy thích quá, nhảy vô làm luôn, nào ngờ thành công.

Và sự chọc gậy bánh xe của kẻ nông cạn

"Kẻ nông cạn" đó chính là MÌNH đây, hehe. Dưới đây là một vài quan sát lẫn "đá đểu" của mình về hai phương pháp, các bạn không nên nổi cáu, cứ coi mình như "bọn dốt thì hay thích nói chữ" là được. haha.

Nếu bạn gặp ai đó khi nói về giáo dục mà cứ "triết lý giáo dục", "con người là gì", đại loại thế thì đây là người thích phương pháp Steiner, bạn nói vài câu về phương pháp Montessori nhưng đừng nói nó là nội dung một phương pháp khác, bạn cứ nói đó là quan điểm của bạn, thì bạn sẽ mau chóng bị bạn ấy chê bai thôi. Cái này thì mình gặp ngoài đời rồi, hôm qua mình qua feed của một chị phụ huynh đọc vài link chị ấy dẫn về, đọc câu đầu là biết luôn, các bạn đọc thử chơi.

Người yêu thích phương pháp Steiner có xu hướng chỉ trích giáo dục truyền thống nhiều hơn, chê bai trường lớp nhiều hơn. Nếu bạn chả đi học gì ở trường, cũng chẳng tốt nghiệp gì mà vẫn "vô đối" thì kiểu gì mà chẳng chửi trường, chửi Bộ. Bạn hãy đọc lại lý lịch của anh Steiner và hô to: "Home-schooling muôn năm" đi nào, Bill Gates bỏ học thành tỷ phú thế giới, còn con bạn bỏ ĐH thì nhiều khả năng là đi làm phụ hồ thôi, nói chung nói vậy cũng hơi quá, nhưng mình cam đoan rằng con bạn không thành tỷ phú như bác Bill được đâu.

Bạn nghe nói phương pháp Steiner chia các giai đoạn thành 7 năm, Mont thì lại chia thành 3 năm, người này đúng thì người kia phải sai? Hoặc cả người đều sai?
Bạn biết rằng theo các nghiên cứu được chấp nhận, con người trường thành hoàn toàn vào năm 23-25 tuổi, mà con số này thì không chia hết cho 7 nhỉ? Có thể 24 thì chia hết cho 3, nhưng đơn giản là người khác nhau thì mức độ trưởng thành khác nhau, chẳng qua là do sai số nó lớn (23-25) mà số 3 thì nhỏ thôi. Có đúng chẳng qua do ăn may.
Bạn lại nghe mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, không có chuyện trẻ nào cũng có "tần số" giống nhau đúng không? Thậm chí rằng đối với một đứa trẻ, giai đoạn đầu x năm nào đó, thì không có nghĩa giai đoạn tiếp theo cũng x năm, đúng không?
Mình hỏi khắp nơi về vấn đề này thì được trả lời là: "đó là quan sát sau nhiều năm của anh/chị sáng lập, những người tiếp nối cũng đã quan sát và thấy đúng". Nói nhỏ nhé, mình quan sát con mình và thấy con mình khác.

Bạn thích trở thành nhà triết học hay thành BS hơn?

Bạn có từng nghe rằng con búp bê của Steiner không có mắt vì nó có thể là em bé, cô gái, bà ngoại đại ý là hình dạng không cố định để tăng trí tưởng tượng cho trẻ? Con búp bê của con mình là một búp bê bé gái, búp bê này vẫn có thể làm ba ngoại, cô giáo v.v... và làm bất cứ thứ gì cháu gán cho, thậm chí có lúc cháu chỉ búp bê và bảo đây là đức vua. Và mấy đứa con bạn mình cũng thế, chả có đứa nào cần một búp bê không cố định cả. Dù búp bê có hình dạng cố định, trẻ vẫn tự gán thành các nhân vật khác được. Cái tư duy cần vật không cố định giúp trẻ tưởng tượng thật là "khinh thường trẻ em".

"Các giáo cụ của Mont phải được tôn trọng và dùng đúng mục đích". Whaaaat? Tôn trọng thì đúng rồi, bất kỳ vật gì cũng nên được sử dụng một cách tôn trọng, ít nhất là do nó không phải là của trẻ mà là của trường. Còn dùng đúng mục đích làm cái vẹo gì? Búp bê bé gái làm đức vua được thì giáo cụ cũng làm đức vua được. Thật là một sự áp đặt nghèo nàn về định nghĩa sự vật. OK, bộ công cụ được tạo có mục đích, và cô giáo cứ làm việc theo mục đích của giáo cụ để dạy trẻ, còn trẻ thích gán thêm vài vai trò khác cho giáo cụ thì ảnh hưởng thì tới nồi cơm của các cô?

Những người yêu thích Steiner thì đả kích giáo cụ của Mont, "cần công cụ là dấu hiệu của sự lệ thuộc công cụ". Còn bên các anh Steiner thì sao, đồ chơi của trẻ chủ yếu là gỗ và len vì nó "tự nhiên", ủa chứ kim loại không phải hàng "tự nhiên" hả? Mình thích ăn cá hồi, hồi ở Nhật mình ăn rất nhiều cá hồi. Một hôm đi siêu thị, thấy cá hồi nuôi giá cao gấp rưỡi cá hồi tự nhiên, mua về ăn thử thì thấy ngon hơn hẳn, lúc đó mình rất ngạc nhiên vì ở Việt Nam thì cứ ăn cá câu ngoài sông thì ngon hơn ăn cá nuôi. Lên văn phòng hỏi chị thư ký thì chị ấy trả lời tỉnh queo: "cá nuôi phải ăn ngon hơn thì mới nuôi chứ, ăn dở hơn thì nuôi làm gì". Rõ ràng, nhân tạo tệ hơn tự nhiên mới là vô lý. Cho rằng hàng tự nhiên tốt hơn là một dấu hiệu phá phách của loài người lên tự nhiên. Con người toàn phá phách tự nhiên hơn là cải tạo tự nhiên nên mới có cái "tâm lý suy đồi" rằng phải tự nhiên thì mới tốt, chứ chịu khó cải tạo tự nhiên thì hẳn đã khác rồi.

Chị Montessori thì đả kích về đóng kịch và tưởng tượng, hồi trước cô chủ trường con mình có dẫn link một bài viết về trí tưởng tượng bị mình phản ứng dữ dội, nội dung thì dài nhưng đại ý là "không nên cho trẻ coi hoạt hình vì đó là thế giới tưởng tượng, khi thấy con heo phải là con heo, ko phải là Peppa", đại loại thế. Sau đó mình mới biết là bài viết tiếng Anh, được dịch bởi một chủ trường mầm non Montessori khác. Kết quả cuối cùng thì cô chủ trường bên mình cũng né tranh luận, dĩ hòa vi quí nhưng cho tới nay mình vẫn không giải thích được quan điểm "bệnh tật" của những người yêu thích phương pháp Mont về trí tưởng tượng, một sự "bệnh tật" thật sự về quan điểm.

Nếu bạn thích style "chân chạm đất mà đầu không chạm trời" thì phương pháp Montessori thích hợp cho bạn, còn nếu bạn thích "đầu chạm trời mà chân không chạm đất" hay "trẻ em đến từ thiên đường" thì phương pháp Steiner thích hợp với bạn hơn. Tuy nhiên mình cũng lưu ý rằng nếu không có phương hướng rõ ràng trong việc dạy trẻ, chúng ta sẽ dễ rơi vào "chân không chạm đất mà đầu cũng không chạm trời" nhé.

Kết

Viết tới đây, mình cảm thấy "một sự thất bại trong tâm trí, một sự đau đớn trên đôi tay" về việc nêu lên những ví dụ cho bạn thấy rõ rằng rằng thực ra phương pháp giáo dục nó cũng dựa trên sự phiến diện của người sáng lập thôi. "Mây tầng nào thì chơi với mây tầng đó", bạn thích style nào thì chọn style đó.

Tới đây bạn có còn ngạc nhiên khi biết rằng số trường Mont áp đảo hẳn so với các style còn lại kể cả Steiner? Dễ hiểu mà, style "BS - nhà khoa học" kiểu gì mà chẳng áp đảo trong dân chúng, style "nhà triết học" kém thế hơn về số lượng là đương nhiên, chơi gì cho lại.

Tới đây, bạn có nhận thấy rằng mình "đá đểu" Steiner nhiều hơn Mont, cũng dễ hiểu mà, bạn quẹo lại lên trên đọc lý lịch của anh chị sáng lập và của mình là hiểu liền, mình nhấn mạnh lại mây tầng nào chơi với mây tầng đó.

Quảng cáo

Mình viết xong rồi, cái này là quảng cáo, các bạn đừng đọc.

Các bạn thấy đó, nếu các bạn đang tìm trường cho con thì mình lại toàn "đá đểu" không thôi nên không giúp gì được cho các bạn đâu. Con đường này cũng khá gian nan, ngày xưa vợ chồng mình cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức mới tìm được trường cho con, nếu các bạn có đọc các bài post trước của mình thì thấy mình đi cả những trường Quốc tế, và các trường có phương pháp giáo dục. Về mầm non, quan điểm của mình vẫn là nên chọn một trường có một phương pháp giáo dục nào đó, bất kể là Mont, Steiner, Reggio, Shichida v.v... vì trường luôn có một triết lý, (à, ý mình là cái neo đó, chứ dùng từ triết lý thì bạn lại đoán đồng chí này style Steiner). Cái neo này rất quan trọng, nó sẽ giúp giáo viên không rời xa được những thứ mình đã hứa/thề trong đầu. Giáo viên cũng là con người, có lúc nóng nảy, có lúc sai lầm, thậm chí giận tới mức đánh trẻ. Nhưng nếu có một cái neo trong đầu để neo lại, thì sai lầm sẽ nhanh chóng được sửa chữa và giáo viên sẽ coi sai lầm đó như một bài học để ngày càng hoàn thiện hơn. (Nếu bạn nhanh trí thì sẽ biết là mình đang giới thiệu về tôn giáo đó, hehe.)

Nếu các bạn tìm trường mầm non cho con theo phương pháp Montessori, các bạn có thể liên hệ cô Lê Thu Thể.
Nếu các bạn tìm trường mầm non và cấp 1 (tới lớp 8) theo phương pháp Steiner, các bạn có thể liên hệ thầy Phạm Kiên Trung hoặc cô Huỳnh Nguyễn.

Mình quảng cáo cho bạn bè thôi, chứ một giọt cafe cũng không có mà uống đâu. Huhu. (Update là đã có cafe uống). Nhưng bạn nên nhớ: giới thiệu là ở mình, còn tìm hiểu và quyết định là ở bạn.

Hình dưới là so sánh Big Three: Mont, Steiner và Reggio (hình từ Pinterest). Reggio thì mình không tìm hiểu nên không viết ở trên, nhưng vẫn lôi về ở hình dưới, nếu có thời gian bạn hãy tìm hiểu thử đủ bộ 3 này nha. Phần 02, mình sẽ nói sơ qua thêm một chút về phương pháp Steiner.

Big Three