phần 01, mình đã "đá đểu" hai phương pháp nổi tiếng về giáo dục hiện nay trên thế giới lẫn ở Việt Nam là Steiner và Montessori. Không biết là các bạn đã bỏ chút thời gian tìm hiểu xem phương pháp Steiner là thế nào, phương pháp Montessori là thế nào chưa? Mình hi vọng là rồi vì mình cũng sẽ chẳng bao giờ định nghĩa các phương pháp đó ở bài viết của mình. hehehe. Ở cuối phần trước mình cũng đã viết ngắn gọn rằng theo quan điểm của mình, nếu bạn tìm trường mầm non cho con, bạn nên chọn trường có một phương pháp giáo dục nào đó, bất kể là gì, vì đó là cái neo để trường lẫn các giáo viên đi trên cùng một con đường tới cái đích họ đã chọn mà không bị lạc lối.

Giống như bọn con trai mới lớn, thích bạn gái nào là cứ cố ý tìm cách chọc cho bạn khóc mới thôi, thì mình cũng thế, thực sự mình đánh giá rất cao hai phương pháp giáo dục này, dù rằng "đá đểu" nó suốt. Ở phần này mình sẽ nêu "vài điều" mình biết về phương pháp Steiner, để các bạn có cái nhìn ban đầu về phương pháp này. Mình viết cũng khá là lộn xộn, không theo trật tự nhất định, mình mong các bạn thông cảm.

Như mình đã nói ở phần trước, khi "chém gió" về phương pháp giáo dục với ai đó, các tín đồ của phương pháp Steiner sẽ nói nhiều về: "triết lý", "con người là gì", hoặc sẽ đề cập những câu hỏi thuộc loại khó đỡ như: "tôi là ai, từ đâu tới, sinh ra ở cõi đời này làm gì" v.v... Vì sao lại thế? Phương pháp Steiner được xuất phát từ một triết gia điển hình của chủ nghĩa Duy tâm Đức, nếu bạn đã đọc về Kant hay Fichte hay Schelling hay Geothe v.v... thì sẽ tiếp nhận kiểu giáo dục này rất dễ. Vì người sáng lập là một triết gia nên triết lý giáo dục đã được xây dựng rất kỹ, trong khi nhiều phương pháp giáo dục khác không hẳn là không có triết lý giáo dục, mà đơn giản là các phương pháp đó được xây dựng dựa trên thực hành nhiều hơn, phần triết lý có phần lỏng lẻo hơn. Chắc tới đây bạn cũng đã hiểu được vì sao các tín đồ Steiner hay huyên thuyên về triết lý, thậm chí chê bai những phương pháp giáo dục khác không có triết lý.

Mình thấy rằng, vì có một triết lý giáo dục tốt nên phương pháp Steiner này rõ ràng rất có lớp lang, xác định vững chắc ngay từ đầu về con người, về giáo dục và cả về thế giới quan. Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu khi thực hành truyền tải nó đến mọi người, bất kể thành phần nào trong xã hội. Có những trường yêu cầu phụ huynh phải tham gia ít nhất một workshop của trường thì mới nhận trẻ, vì có nhiều trường phụ huynh ngộ nhận về phương pháp, về cách thực hành giáo dục lên trẻ nhỏ. Chẳng hạn như có phụ huynh thấy trường sử dụng thực phẩm hữu cơ (organic) thì đã vội vàng cho con đi học, nhưng rồi lại nhận ra phương pháp này kì lạ nên lại cảm thấy rất hụt hẫng và lại cho con chuyển trường, rất mất thời gian của đôi bên và tội nghiệp cho trẻ.

Ở phần trước mình có nói rằng phương pháp Steiner chia các giai đoạn phát triển thành 7 năm, và phương pháp này coi trẻ như "thiên thần" từ trên trời xuống nên 7 năm đầu chủ yếu cho "các thiên thần này làm quen với trái đất" (mình thừa nhận có hơi "đá đểu" ở câu này) nên trường mầm non theo style Steiner sẽ không dạy viết hay chữ số hay làm Toán gì cả, điều này sẽ gây khó khăn cho các trẻ nếu học tiếp cấp 1 ở mainstream. Ở nhiều bài viết trước, mình đã đề cập rằng ở Việt Nam bây giờ vô lớp 1 là phải thành thạo số và chữ viết nên các cháu sẽ khó mà bù đắp được kiến thức này trong thời gian ngắn, dễ gây đến việc khó hòa đồng, chán nản ở các cháu. Nếu bạn không quan trọng quá việc trẻ biết chữ hay số sớm thì phương pháp Steiner giúp trẻ tu dưỡng nhiều skill quan trọng cho suốt cả cuộc đời trẻ: trí tưởng tượng, bỏ phán xét, sống trong môi trường yêu thương, gần gũi thiên nhiên v.v...

Ở trên mình viết ngắn vài dòng về phương pháp Steiner, nếu anh chị nào có thời gian hãy tìm hiểu phương pháp này nhé, thấy nó hay cũng đừng quá khích, thấy nó "thần tiên" khác hiện thực hay duy tâm quá cũng đừng thất vọng. Phương pháp giáo dục hay bất cứ thứ gì cũng chỉ thỏa mãn một cộng đồng nào đó mà thôi, style "triết học", "thiên thần" thì cộng đồng cũng không quá đông đâu. Tuy nhiên, mình cam đoan một điều rằng đây là phương pháp giáo dục rất đáng tìm hiểu, nhiều điểm rất hay và mới lạ, nó hấp dẫn tới mức đã khiến nhiều phụ huynh bỏ hẳn công việc mình đang làm để trở thành một giáo viên Steiner, vừa dạy con mình mà vừa ươm mầm cho thế hệ sau. Mình thì kiến thức nông cạn, không giải đáp được gì cho các bạn đâu, các bạn hãy liên hệ thầy Phạm Kiên Trung để được giải thích rõ thêm.

Phần 03 mình sẽ viết vài dòng ngắn gọn khác mà mình cũng rất thích là phương pháp Montessori, vì mình chỉ viết ngắn vài dòng nên các bạn hãy tìm hiểu trước nhé, phương pháp này cũng rất hấp dẫn và rất gần gũi.

Hình từ Pinterest: