Mình đã đọc cuốn sách "Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ" - bản tiếng Việt và bản gốc tiếng Anh là The Collapse of Parenting: How We Hurt Our Kids When We Treat Them Like Grown-Ups, mình cảm thấy rất hay và cuốn hút nên làm một seri review và bình luận lại quyển sách này, hi vọng nó giúp ích được phần nào cho các bạn, những người đã là cha mẹ, sắp làm cha mẹ hoặc có ý định chuẩn bị làm cha mẹ. Tuy nhiên, mình xin lưu ý rằng mình làm như vậy nó cũng tiết lộ một phần nội dung quyển sách (dù mình hoàn toàn không muốn như thế) nên các bạn vui lòng cân nhắc trước khi đọc tiếp nhé.

Tác giả Leonard Sax là tác giả của nhiều quyển sách viết về giáo dục được đánh giá cao. Trong cuốn này sách này, ông cố gắng giải thích về việc vì sao chúng ta lại làm tổn thương trẻ khi chúng ta đối xử với trẻ như người lớn. Nghe tới đây mình nghĩ là các bạn sẽ ngạc nhiên (bởi vì lúc đầu mình cũng khá ngạc nhiên), chẳng phải chúng ta đang cố học phương Tây, luôn đối xử với trẻ như người lớn hay sao, chẳng phải chúng ta đang cố gắng xây dựng những đứa trẻ độc lập, sáng tạo, hạnh phúc như Âu-Mỹ hay sao? Thực sự, khi đọc hết cuốn sách, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta không hẳn là đã đối xử trẻ như người lớn, đơn giản là "chúng ta nghĩ như thế thôi", chúng ta không phân biệt được khi nào cần trao quyền cho trẻ, khi nào chúng ta phải nói với trẻ bằng những mệnh lệnh để trẻ phải thực thi. Rõ ràng, chúng ta, những người tự thấy mình là những phụ huynh "tiên tiến", cũng sẽ có lúc băn khoăn về việc chọn lựa sự tự do cho con: Nếu cho trẻ quá ít tự do, chúng ta lo sợ rằng chúng ta đang kìm kẹp trẻ quá mức và điều đó sẽ cản trở sự phát triển của trẻ sau này. Ngược lại, cho trẻ quá nhiều tự do, nhiều khả năng chúng ta sẽ tạo ra những đứa trẻ vô kỷ luật, ngỗ ngược, vô ơn. Vậy thì cho trẻ bao nhiêu tự do là đủ?. Hẳn đây không phải là câu hỏi dễ trả lời, ngay cả phụ huynh có nhiều kinh nghiệm cũng sẽ rất bối rối, và nhiều phụ huynh đã có sự lầm lẫn về việc giải quyết các vấn đề này hoặc lơ là trách nhiệm của mình trong việc dạy dỗ con cái.

Quyển sách được chia ra làm 2 phần: phần 1 trình bày những vấn đề tồn tại ở Bắc Mỹ như béo phì ở trẻ, trẻ không tôn trọng cha mẹ và thầy cô... và tác giả cố giải thích cho mọi người hiểu vì sao lại thế, phần 2 tác giả giải quyết các vấn đề ở phần 1 bằng cách chỉ ra những ngộ nhận của cha mẹ và nêu bật lên 3 điều phải dạy trẻ: dạy trẻ khiêm nhường, dạy trẻ tận hưởng và dạy trẻ ý nghĩa cuộc sống. Tuy tác giả nêu các vấn đề ở Bắc Mỹ, nhiều lần so sánh nó với các nước tương đồng như các nước ở châu Âu, Nhật Bản... , nhưng mình cảm thấy mọi phụ huynh trên thế giới đều nên đọc quyển này. Thêm nữa, quyển sách cũng nêu bật được mối quan hệ của bộ ba thần thánh: cha mẹ, con cái và nhà trường, đây có lẽ cũng là vấn đề ở Việt Nam vì thực sự mình thấy nhiều phụ huynh chưa sâu sát với nhà trường trong việc giáo dục trẻ, trong khi "cần cả một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ". Mình từng có lần ngồi huyên thuyên vì sao cần cả một ngôi làng để dạy một đứa trẻ, nhưng các phụ huynh khác không mảy may quan tâm, chắc do mình nói chán quá, hehe.

[Ngoài lề], dạo này hội phụ huynh trường bé nhà mình có kêu gọi thực hành lòng biết ơn cho trẻ thông qua một quyển sách. Thực hành lòng biết ơn thì mình hoàn toàn ủng hộ, vì nó là một trong những trụ cột quan trọng giúp cho trẻ hạnh phúc sau này. Lòng biết ơn nó liên hệ vô cùng chặt chẽ với tính khiêm nhường mình có nêu ở đoạn trên, khi một người tràn đầy lòng biết ơn, người đó sẽ tự thể hiện sự khiêm nhường và ngược lại, một người khiêm nhường thì trong tâm hồn sẽ đầy lòng biết ơn. Thực ra không chỉ trẻ em, mà người lớn cũng phải thực hành lòng biết ơn, mình và vợ cũng cố gắng thực hành nó, nhắc nhở lẫn nhau mỗi ngày (đơn giản là do cuộc sống bế tắc quá mà, hehehe).

Tạm thời mình viết tới đây. Phần 02 của seri này mình sẽ giới thiệu sơ sơ về "văn hóa". Tác giả nêu lên ở Mỹ có một "văn hóa thiếu tôn trọng" của trẻ em lên cha mẹ thầy cô, tác giả đã dùng từ "văn hóa" thì hẳn vấn đề này nó đã xuất hiện ở từng nhà, từng trường, từng con phố.