Chào các bạn, chúc các bạn có những ngày khỏe mạnh và an yên.

Ở phần này, Tiến sỹ Sax nêu lên những ngộ nhận mà ông đã trải qua sau hơn 30 năm làm bác sỹ nhi khoa. Các ví dụ đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ lẫn dựa trên kinh nghiệm rất riêng của tác giả có thể làm chúng ta hơi khó hình dung. Tuy nhiên nó vẫn để lại cho chúng ta phần nào bài học khi so sánh với bối cảnh đang xảy ra ở Việt Nam.

Ngộ nhận 1: Lo lắng về hiệu ứng ngược

Hiệu ứng ngược là như thế nào? Khi tác giả đề cập tới vấn đề dạy đạo đức cho con theo kiểu yêu cầu trẻ thực hiện các hành vi đạo đức như đã được nêu ở phần 13 thì nhiều phụ huynh lo lắng rằng khi con lên Đại học và sống tự lập thì con giống như cái lò xo bị nén lâu này, sẽ bung xõa hết mình, làm những chuyện điên rồ. Các bạn nên lưu ý rằng quyển sách này đang nói về nước Mỹ, hẳn các bạn xem phim hoặc đọc các tin tức về nước Mỹ thì sẽ biết rằng khi một người học ĐH thì sẽ được xem là người trưởng thành và thường sẽ ra ở riêng chứ không còn ở chung với ba mẹ và những kiểu bung xõa "tẹt ga" của sinh viên như là sống cùng nhau, chơi thử ma túy, tiệc khỏa thân v.v... Mình nêu lại ra đây để hiểu rằng phụ huynh bên Mỹ lo lắng như thế nào, chứ không hiểu hoàn cảnh các bạn lại cảm thấy phụ huynh Mỹ "yếu đuối vãi nồi" ra.
Tuy nhiên, tác giả đã dẫn ra rất nhiều dẫn chứng cho thấy rằng, những đứa trẻ ngoan lớn lên thường cư xử tốt, những trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ dễ dãi thì hay gặp rắc rối khi trưởng thành. Nếu bạn là một tín đồ của self-help, bạn hay nghe chuyện kể về một người xuất thân từ gia đình bệ rạc, đã vượt qua được số phận của mình, trở nên thành công và giàu có phải không? Có thể các ví dụ trong những sách self-help này không sai, nhưng vấn đề là bao nhiêu người vượt qua được số phận, và xác suất của nó là bao nhiêu. Xúi con bỏ học đi, xác suất con bạn lang thang sẽ cao hơn lên rất nhiều đấy. haha.
Tác giả cũng đưa thêm một ví dụ trong môi trường công ty cho bạn tưởng tượng. Chẳng hạn có nhân viên A và B cùng xin vào một vị trí, A được nhận xét là trung thực, thật thà, chăm chỉ, B được nhận xét là hay đi làm muộn, lên Facebook thường xuyên trong giờ làm. Bạn nhận A hay B? Bạn có tin rằng ở công ty cũ A bị đè nén mới có những phẩm chất tốt trên, qua chỗ bạn, A sẽ bung xõa tệ đi? Và ngược lại, B qua chỗ bạn sẽ làm tốt lên? Hẳn là bạn sẽ không tin như vậy.

Câu chốt cho phần này là: đức hạnh sinh ra đức hạnh.

Ngộ nhận 2: Sợ con lẻ loi

Tình trạng bắt hạt học đường thì có vô số hình thức, từ bạo lực cho tới tinh thần, một trong những điều đó là sự cô lập. Một đứa trẻ bị bạn bè cô lập sẽ dễ bị stress, vì được cộng đồng chấp nhận cũng là một trong những nhu câu cơ bản của con người. Trong phần này, tác giả ví dụ về một vài game rất nổi tiếng nhiều năm trước như là Call of Duty, một game mô phỏng bắn súng trong chiến tranh. Có lẽ để né luật hay để biện minh cho bạo lực ở game của mình mà hãng game này đã lấy tên nghe giống nhiệm vụ của một công dân trong thời chiến, cầm súng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc (call of duty). Cái này mình đoán thôi chứ mình không chắc. Tác giả đã dẫn chứng nhiều nghiên cứu rằng, chơi game không tạo được hạnh phúc lâu dài, trẻ chơi các game bạo lực sẽ hung hăng hiếu chiến hơn. Tất nhiên điều này gây tranh cãi vì nó là hậu quả của nhiều năm chơi game, những việc mà hậu quả được tính bằng đơn vị là năm thì lúc nào cũng gây tranh cãi. Thậm chí, một vài phụ huynh cấm con chơi game cũng chịu sự chỉ trích của các phụ huynh khác. Nhiều phụ huynh cho rằng, cấm con chơi game là "khắc nghiệt" và "biến con thành kẻ lạc lõng". Nếu bạn nào thấy con mình đang chơi game thì mạnh tay lên, đã đọc sách thì phải phải tin tưởng Tiến sỹ Sax và thực hành ngay chứ. hehe.

Ngộ nhận 3: Con cãi là con tự lập

Hẳn nhiều phụ huynh thấy con cãi mình thì cảm thấy vui mừng, cho rằng con đã có suy nghĩ độc lập. Tuy nhiên, các bạn nên lưu ý rằng, con có thể nói: "con không đồng ý với ba/mẹ" và đưa ra phản biện, nhưng tuyệt đối không được chấp nhận những câu như: "cha/mẹ thì biết cái gì" hay đại loại như thế, lưu ý là không bao giờ chấp nhận việc con cái không tôn trọng cha mẹ. Để tránh tình trạng này thì cách giải quyết vấn đề ở đây là hãy trò chuyện nhiều cùng con, đưa ra các vấn đề tranh cãi, hỏi ý kiến của con và để cha mẹ lẫn con có cơ hội để bảo vệ quan điểm của mình một cách tôn trọng lẫn nhau. Ba mẹ phải tuyệt đối loại bỏ những câu như "con nít biết gì". Như chúng ta hẳn sẽ thấy ở Việt Nam mình, đôi khi các ba mẹ đang nói chuyện gì đó, con ở gần nghe loáng thoáng vài câu nên con sẽ tò mò hỏi thêm hoặc đôi khi đơn giản là con thấy ba mẹ to tiếng, hay đơn giản hơn nữa là con thấy ba/mẹ có biểu hiện căng thẳng thì sẽ hỏi. Nhiều ba mẹ bực tức sẽ trả lời "con nít biết gì". Hãy nhớ: luôn phải tôn trọng các câu hỏi của con, dù không trả lời được cũng phải nói với con nhẹ nhàng tử tế.

Tạm thời tới đây nhé, phần 15 mình sẽ review thêm vài ngộ nhận nữa.