phần trước, mình đã có một câu hỏi về "yếu tố dự báo tốt nhất về hạnh phúc và mãn nguyện trong cuộc sống nói chung sau 20 năm cho trẻ 11 tuổi", bạn đã có câu trả lời chưa?

  • A. IQ
  • B. Điểm trung bình trên lớp
  • C. Khả năng tự kiểm soát
  • D. Độ cởi mở với những ý tưởng mới
  • E. Sự thân thiện

Câu trả lời đúng là C, khả năng tự kiểm soát (self-control), nếu bạn nhìn kĩ cái hình ở cuối bài phần trước thì thực ra mình đã gợi ý cho bạn rồi đó: "if you can learn self-control, you can master anything".

Thực sự mà nói thì nghiên cứu khoa học cho những câu hỏi kiểu này kết quả thường khá tranh cãi, vì con người có thể thay đổi trạng thái tùy theo từng lúc, thậm chí "dối trá" và "thật thà" cũng nằm trong cùng một con người và tùy ngữ cảnh, con người ta sẽ "dối trá" hoặc "thật thà", khó lòng mà kết luận một người là dối trá hay thật thà nếu chỉ quan sát một thời gian ngắn. Việc này khó đến mức mà tác giả đã nói rằng "mất cả thể kỉ 20" để vẽ tính cách con người lên biểu đồ 5 chiều, thể hiện 5 khía cạnh của tính cách và tách biệt với trí thông minh: ý thức, sự cởi mở, sự hướng ngoại, sự đồng thuận và ổn định cảm xúc (Conscientiousness, Openness, Extraversion, Agreeableness, and Emotional Stability, đây gọi là Big Five theory). Mình thấy nhiều người khá làm complain về bản dịch tiếng Việt, cho rằng "Conscientiousness" là "sự tận tâm", thay vì "ý thức". Có thể tác giả cũng cảm thấy từ này có thể gây hiểu lầm nên có giải thích rằng "ý thức bao gồm sự tự kiểm soát, trung thực và kiên trì" (bản dịch tiếng Việt) và "Conscientiousness include self-control, honesty, and perseverance" (bản gốc tiếng Anh). Tuy nhiên điều này cũng nhỏ nhặt thôi, điều quan trọng ở đây mà cha mẹ luôn luôn phải ghi nhớ trong đầu là: tính cách tách biệt với độ thông minh, dù rằng thông minh ảnh hưởng tới tính cách nhưng nó không phải là bản chất của cá tính.". Một điều cần phải nhớ nữa là ý thức bao gồm sự tự kiểm soát, trung thực và kiên trì nhưng mối tương quan không phải là 100%, chẳng hạn người tự kiểm soát tốt và trung thực thì có khi chẳng hề kiên trì tí nào.

Khi chúng ta tiếp nhận Big Five theory rồi, thì lại nảy sinh thêm một câu hỏi: "có 5 yếu tố, vậy yếu tố nào dự đoán được hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống?". Chỉ có một điểm làm được, đó là "ý thức/conscientiousness". Người có "ý thức" hơn kiếm được nhiều tiền hơn, sống khỏe mạnh hơn, tuổi thọ cao hơn, ít mắc béo phì hay nghiện ngập. Ba trăm năm trước, Benjamin Franklin đã viết ngắn gọn: "ngủ sớm, dậy sớm làm cho con người khỏe mạnh, giàu có và khôn ngoan" (early to bed, early to rise, makes a man healthy, wealthy, and wise). Điều này cũng dễ hiểu, ngủ sớm giúp chúng ta tránh những cám dỗ khi thức khuya, nhất là trong thời đại smartphone và internet này: chơi game, luyện phim, quẹt Facebook v.v... và dậy sớm giúp chúng ta có ý chí thoát khỏi ngủ nướng, làm được nhiều việc có ích vào buổi sáng như tập thể dục, chạy bộ v.v... đồng thời thể hiện được "sự tự kiểm soát" tốt lên nếp sinh hoạt của người đó. Bạn nhớ câu quote mình đề cập ở tuốt trên kia chứ? If you can learn self-control, you can master anything.

Tuy nhiên, khi tác giả hỏi cha mẹ liệu rằng con cái họ có đi đúng hướng hay không, thì các bậc cha mẹ đề cập về điểm số hoặc các bài kiểm tra. Có vẻ như thước đo này cũng phổ biến ở Việt Nam, lý do đơn giản là "có con số". Các bạn cũng thấy đó, có con số thì rất dễ dàng để hình dung, đồng thời cũng rất dễ dàng để so sánh, chứ so sánh ý thức/conscientiousness giữa hai đứa trẻ thì vô phương, thậm chí cho dù bạn chấp nhận Big Five theory đi chăng nữa, thì để ra con số cho 5 khía cạnh tính các của trẻ cũng dễ gây tranh cãi, mà ra được con số rồi thì một trẻ có 3 mặt tốt hơn nhưng 2 mặt yếu hơn trẻ khác thì cũng khó mà so sánh hai trẻ này với nhau.

Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để thúc đẩy ý thức của con bao gồm sự trung thực và khả năng tự kiểm soát? Tác giả đã chỉ ra vài cách rất đơn giản, dễ thực hiện, chẳng hạn đối với trẻ 8 tuổi, bạn hãy nói: "không làm xong bài tập thì không được xem TV, lên mạng hay chơi điện tử". Chúng ta nghe rất quen thuộc phải không nào, cha mẹ của chính chúng ta cũng thường ra lệnh cho chúng ta như vậy hồi chúng ta còn nhỏ, nhưng sau này chúng ta dần trở nên nhún nhường, thậm chí đầu hàng con cái. Chúng ta rất sợ hãi khi xung đột với con cái, hoặc tệ hơn là sợ con cái ghét mình. Nhưng thực sự không sao cả, nếu bạn thực sự thương yêu con cái thì bạn phải hiểu rằng xung đột là điều tất yếu, có xung đột nhưng mọi người vẫn yêu thương nhau thì đó mới là gia đình trọn vẹn. Thêm nữa, các bạn phải hiểu là ý thức của con không có sẵn, bạn phải xây dựng nó một cách từ từ, và bắt buộc bạn phải làm hình mẫu, bạn không trẻ dạy con tự kiểm soát nếu bạn không phải là người tự kiểm soát, thường xuyên nóng giận được. Nói rõ về làm mẫu là một chủ đề dài, trước mắt chúng ta tới đây đã.

Bạn có bao giờ nghe tới tên Carol Dweck, hoặc "growth mindset/fixed mindset" chưa? Hình như quyển Mindset: The New Psychology of Success của chị ấy được dịch ra tiếng Việt rồi thì phải. Ở đây mình nói nhanh một ví dụ trong sách này: đừng khen một đứa bé thông minh (đặc tính cố hữu của trẻ) mà hãy khen trẻ chăm chỉ (hành vi/cố gắng của trẻ) thì khi đứa trẻ thất bại khi làm một thứ gì đó, nếu trẻ nghĩ mình không đủ thông minh thì trẻ đó sẽ không cố gắng nữa và dễ từ bỏ, nhưng nếu trẻ nghĩ mình cố gắng chưa đủ thì trẻ sẽ cố gắng hơn và sẽ thực hiện cho được nhiệm vụ. Cuốn sách này khá nổi tiếng, tác giả Leonard Sax cũng thừa nhận rằng có nhiều bằng chứng cho thấy là chị Carol đã đúng. Tuy nhiên, đó là cách tiếp cận đối với thông mình, còn cách tiếp cận đối với tính cách có thể sẽ khác, mình sẽ nêu tiếp ở phần 13.