Thực sự, sau khi đọc xong chương "tại sao nhiều trẻ mong manh như vậy?" thì nhìn lại bản thân mình, mình thấy là thực sự mình cũng rất mong manh. Đọc xong mà mình phải tự hứa là phải cố gắng lên, chứ không lại truyền cái mong manh trong con người mình cho con thì hỏng hết thêm cả một thế hệ.
Trong chương này, tác giả đã đưa ra hai ví dụ rất điển hình. Ví dụ thứ nhất, có ông bố nọ có cậu con trai rất có khiếu và chơi giỏi điện tử. Khi còn nhỏ 6 tuổi, cậu bé đã có thể thắng cha mình với tỉ số 62-7, một tỉ số tương đối là chênh lệnh trình độ. Cha cháu thì không thích thú gì lắm với trò chơi điện tử mà thích ra ngoài coi bóng đá hoặc ra sân chơi thật sự hơn. Vài năm sau thì vì cậu bé có dấu hiệu của thừa cân nên giáo viên của cháu đã gợi ý cho cháu chơi thêm một môn thể thao nào đó. Ông bố này cũng chơi thử bóng đá với con và thấy cháu cũng có chút năng khiếu, đó là một nhận xét khách quan dù cháu có hơi thừa cân. Và rồi, một ngày nọ thì ông bố cũng dẫn con mình tham gia tuyển chọn ở trường. Nói chung là cậu bé chạy bộ 1 dặm khá tệ và huấn luyện viên yêu cầu sáng ngày mai những trẻ có thể lực kém phải lên sân, kiểm tra lại việc chạy một dặm và đo lại cân nặng một lần nữa. Cậu đã bỏ cuộc ngay lập tức, nói với cha mình rằng cháu không muốn chơi thể thao mà muốn làm game thủ, bỏ vô phòng đóng cửa và tiếp tục chơi điện tử. Trong thế giới của điện tử, cậu chơi rất giỏi, nhưng hiện thực có vẻ hơi phũ phàng với cậu.
Một câu chuyện khác, có cô bé học giỏi, thành tích thường đứng đầu ở trường, nhưng sự đứng đầu đó chưa đủ ấn tượng, chẳng hạn cô bé đạt 99 điểm thì bạn bè cũng 95, 96 điểm nên cô bé quyết định đăng ký vào một lớp khó hơn đó là lớp Vật lý. Vì trước giờ cô bé học hành chăm chỉ, toàn đứng đầu lớp nên không ngờ lớp Vật lý làm cô bé rất khó khăn. Trong lần thi đầu tiên cô bé có thành tích rất tệ, chỉ đạt 34/100, đứng chót lớp. Sau đó dù cố gắng bao nhiêu đi nữa thì cô bé vẫn không đạt được điểm 97 đến 99 như các môn kia. Cô bé rơi vào căng thẳng, khóc mỗi lần có điểm bài kiểm tra dù điểm các bài kiểm tra có cải thiện dần. Cô bé cảm thấy nhàm chán với việc học, thu mình một cách ủ rũ, tinh thần sụp đổ hoàn toàn.
Hai bạn nhỏ ở trên, một đi khám với một BS nhi, một người đi khám với một BS tâm thần và cả hai bạn đều được BS cho dùng thuốc trầm cảm (việc vì sao trẻ ở Mỹ hay dùng thuốc thì mình đã viết ở phần 06 và phần 07). Tuy thuốc làm tâm trạng của hai bạn đỡ tệ đi, nhưng tình hình thực tế thì cũng không đỡ hơn được bao nhiêu. Ở đây chúng ta cũng thấy, hai bạn rất "mong manh", cậu bé nên lên lại sân vào sáng hôm sau và thử lại, cô bé cũng không vì học yếu Vật lý mà trở nên mất hết tinh thần như vậy, chỉ vì học yếu có một môn mà sụp đổ luôn. Chúng ta thấy rằng hai đứa trẻ đã thiếu đi sức mạnh nội tại. Một câu bé chơi game giỏi, và chìm đắm trong thế giới game vì ở đó cậu có thể thể hiện rằng mình giỏi. Một cô bé luôn đứng đầu, không chịu nổi khi mình học dở một môn nào đó.
Thực ra, mình cũng không khá khẩm hơn gì hai bạn nhỏ ở trên, mình cũng rất dễ bỏ cuộc, mình hay đùa với bạn bè rằng mình bỏ cuộc như cơm bữa, thử nhiều cái và hầu như là bỏ cuộc luôn. Bao nhiêu năm sống trên đời, mình luôn làm những cái gì mà mình làm tốt, hiếm khi nào thử cái gì đó mới, hoặc cái gì đó mà ở một tầm cao hơn, đến một ngày mình mới nhận ra rằng mình chưa bao giờ rời khỏi vùng an toàn (safe zone). Có lẽ bạn sẽ nghĩ: "uhm, rời khỏi vùng an toàn ai mà chẳng sợ", nhưng ra khỏi vùng an toàn bạn mới trở thành một con người mới, có level cao hơn con người cũ, dù rất sợ nhưng chúng ta cũng phải bước tiếp.
Quay lại vấn đề mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, tác giả có câu rằng: "Chúa không thích chỗ trống". Bạn hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang đi trên một con đường đất không có trải nhựa, như các con đường chúng ta đang thấy hồi chúng ta còn nhỏ xíu. Khi có một hốc đất trên đường, nếu không lấp lại thì sau một cơn mưa, cái hốc đó sẽ đầy nước, xung quanh hốc đó đường sẽ ướt nhẹp, rất là lầy lội. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng vậy, nếu trẻ không tin tưởng tuyệt đối vào cha mẹ thì trong tâm lý trẻ sẽ ngay lập tức có một lỗ hổng, và lỗ hổng đó sẽ được trám vào bằng cái gì đó, chính là bàn bè, ở đây không phải là bạn bè đúng nghĩa, mà chính xác là "sự nhìn nhận của bạn bè". Ở câu chuyện trên, bố cậu bé vẫn khuyến khích cậu tập chơi bóng, ông thậm chí thực sự nghĩ là cậu có năng khiếu, chỉ là hơi thừa cân, nhưng cậu bé không lấy đó làm điểm tựa niềm tin cho mình mà lại muốn sự công nhận của bạn bè cậu trong thế giới game, vì trong thế giới game cậu rất giỏi. Cô bé cũng thế, mẹ cô bé cũng không áp lực gì cho cô bé phải học thật giỏi hay phải đứng đầu lớp mà chính cô bé muốn rằng mình phải luôn luôn là "number one" trong mắt bạn bè, ai cũng phải ngưỡng mộ mình. Nếu cô bé hay cậu bé này hiểu được tình cảm vô điều kiện cha mẹ giành cho mình, các cháu sẽ không mong manh như thế. Đọc tới đây, mình hi vọng các bạn hiểu được "một phần" vì sao mạng xã hội gây nghiện, đơn giản ở đó bạn được "công nhận", bạn đăng những hình ảnh đẹp nhất của bạn, những chuyến vui chơi, những phong cảnh thiên nhiên rất đẹp, tóm lại là những gì tốt nhất của bạn, và mọi người trầm trồ ấn like cho ảnh của bạn, và bạn sướng run người, thậm chí không ngủ được. Mình giới thiệu ở đây là "một phần", chứ mạng xã hội thì có cả trăm cách làm cho bạn nghiện.
Lạc đề rồi, chúng ta quay lại nào. Ở Mỹ, nhiều phụ huynh sẽ đổ lỗi cho sự phát triển của công nghệ, của công việc căng thẳng v.v... để đổ lỗi cho sự xa cách với con trẻ, nhưng tác giả đã thẳng thừng phản bác rằng chỉ có ở Mỹ mới như thế. Ở những nước nói tiếng Anh khác có văn hóa tương đồng như Anh, Scotland thì các trẻ em vẫn muốn giành nhiều thời gian bên gia đình, ông bà. Một tiểu thuyết gia người Mỹ tên Reif Larsen khi chuyển tới Scotland sống đã nói rằng "ở Scotland gia đình là quan trọng nhất" và "ngỡ ngàng trước sự thất bại của xã hội Mỹ đương đại về việc thừa nhận trẻ em thực sự tồn tại".
Ở Việt Nam, mình cũng thấy có một vài gia đình đổ lỗi rằng vì công việc quá bận nên không thể giành thời gian cho con cái. Việc này thì mỗi nhà mỗi cảnh, mình cũng không dám chắc biện hộ này là một sự đổ lỗi hay thực sự khách quan. Trong sách, tác giả có đề cập một giải pháp là gia đình đi du lịch vài ngày cùng nhau, bắt buộc tất cả các thành viên trong gia đình phải tham gia và không cho phép bạn của con mình đi cùng, vì đi du lịch là để tăng cường mối liên kết trong gia đình chứ không phải cho các bạn nhỏ thêm cơ hội với nhau. Thời gian ở trường đã đủ để các bạn nhỏ chơi với nhau, chưa kể các bạn lớn thêm một chút thì còn có chat, tham gia group v.v... trên mạng xã hội, tương tác của các bạn đã đủ, khi đi du lịch thì chỉ có gia đình và gia đình. Và quan trọng hơn, không phải chỉ là du lịch, mà các cha mẹ phải cố gắng rằng khi ở bên con thì phải giành thời gian chất lượng nhất ở bên con, chứ đi du lịch mà cha mẹ mỗi người cầm một smartphone thì cũng chẳng ích lợi gì, từ bốn bức tường ở nơi này thành bốn bức tường ở nơi khác mà thôi.
Đoạn trên là giải pháp cho gia đình quá bận rộn, vậy nhiệm vụ hằng ngày của cha mẹ là gì?
- Một trong những nhiệm vụ quan trọng là dạy trẻ về khát vọng, vượt lên suy nghĩa "làm gì tùy thích". Hẳn là nhiều phụ huynh sẽ có suy nghĩ: "để trẻ làm gì tùy thích, miễn trẻ thấy vui", thực sự đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm vì thực sự "thích" là khái niệm rất nhất thời. Chẳng hạn như trẻ coi phim thấy mấy chú Công an bắt tội phạm, mang lại bình yên cho mọi người thì mê tít, nói với cha mẹ rằng sau này con sẽ làm Công an để mang bình yên tới mọi người, các bạn cho cháu xem những khúc phim mà những chiến sỹ bị tội phạm bắn chết thử xem cháu còn thích làm Công an nữa không. Cũng không hẳn là trẻ không biết gì để chọn cái mình thích, mà mình muốn nói ở đây là trẻ thích gì thực sự phần lớn do người lớn/phim ảnh/hoạt hình v.v... thôi miên trẻ mà thôi. Mình nói là phần lớn thôi, chứ không phải toàn bộ nhé, vì khi trẻ được sinh ra thì trong đầu cháu đã được cài đặt sẵn một vài thứ rồi, nên cháu cũng có xu hướng thích một cái gì đó. Cái chính ở đây là cha mẹ phải quan sát thật kỹ xem con mình thực sự muốn gì, khi quan sát hãy cố gắng càng trung lập càng tốt, và sau đó phải cho trẻ thấy được bức tranh toàn cảnh của cái mà cháu thích, tốt nhất là cho cháu thực hành luôn.
- Một lưu ý quan trọng khác là vai trò của cha mẹ phải thay đổi tùy theo các giai đoạn phát triển của trẻ. Khi trẻ còn nhỏ, thì bạn là người cổ vũ. Chẳng hạn trẻ tập đi thì bạn luôn phải nói: "con giỏi lắm", "con làm tốt lắm", đại loại vậy. Nhưng khi con bạn lớn hơn, bạn không thể khen như thế mãi được, trẻ sẽ thấy nhàm chán hoặc cháu tự nghĩ trong đầu: "mình có giỏi gì đâu, mà cha mẹ cứ khen mình giỏi lắm". Lúc này bạn phải trở thành người hướng dẫn, bạn phải chỉ cho con thấy cháu có điểm mạnh gì, điểm yếu gì, cần cải thiện ra sao, nói tóm lại là bạn phải "sửa sai" và "định hướng" lại cho con. Thành thật mà nói, con mình mới 4 tuổi nhưng có những giai đoạn cháu phát triển rất nhanh mà mình hết sức bất ngờ, cháu thay đổi rất nhanh làm mình choáng ngợp không thay đổi kịp để thích ứng với tình hình mới, cảm giác như cháu lớn lên mỗi ngày mà cha mẹ vẫn đối xử với cháu như cả năm về trước. Ông bà ngoại thì thậm chí còn bị động hơn, các cụ có cảm giác rõ ràng cháu mình đã lớn hơn, nhưng không tài nào thay đổi để thích ứng được.
"Failure comes to us all. The willingness to fail, and then to move on with no loss of enthusiasm, is a mark of character. The opposite of fragility, is the willingness to fail." (Thất bại đến với tất cả chúng ta. Sự sẵng sàng để thất bại, và sau đó đi tiếp mà không mất đi sự nhiệt tình là một dấu hiệu của tính cách. Trái ngược với sự mong manh, là sự sẵn sàng cho thất bại).
Tạm thời thì mình cũng viết được 10 phần, review được hết phần một của quyển sách. Mình sẽ nghỉ viết vài ngày rồi sẽ viết tiếp review cho phần hai là những giải pháp cho các vấn đề ở phần một. Lúc viết, mình nghĩ rằng chắc cũng chẳng mấy ai đọc, không ngờ có gần 10 người nhắn tin cho mình để khen nội dung viết hoặc biểu thị sự cảm động cho các bài viết, đây thực sự là một động lực lớn để mình viết mỗi ngày dù mình tự biết rằng đơn giản là do sách hay, mình chỉ thêm mắm thêm muối vài tình huống ở Việt Nam. Tuy rằng mỗi bài viết khá ngắn, nhưng mình cũng phải giành khoảng 3h mỗi ngày với sự tập trung cao độ mới viết được một xíu như vậy, cũng có thể là do năng lực của mình không cao, lại chưa quen việc viết lách nên năng suất mới thấp như vậy. Chắc vào đầu tuần sau mình sẽ viết tiếp phần 11 review về "điều gì quan trọng" cho trẻ. Mình chân thành cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình thời gian qua.