Ở phần trước, mình đã giới thiệu nhận định của tác giả là học sinh bị càng ngày càng bị tụt lại phía sau dựa trên kết quả kiểm tra PISA. Có thể bạn nghi ngờ rằng PISA cũng không hẳn là bài thi tốt để đánh giá học sinh 15 tuổi, nhưng đã là bài kiểm tra đánh giá thì kiểu gì cũng có sai sót, không thể nào hoàn mỹ được. Nếu đó đang là bài thi được thiết kế tốt nhất vào lúc này thì chúng ta cũng hãy tin tưởng vào kết quả của nó, tất nhiên với điều kiện là người tham gia bài thi hoàn toàn trung thực. Phần này mình review về đánh giá của nhà báo Amanda Ripley về việc vì sao học sinh Mỹ bị điểm thấp, tuy nó là ở Mỹ nhưng mình cũng cảm thấy nó là bài học thực tế cho tất cả mọi nước. Ở dưới là ba điều mà nhà báo Ripley đã đưa ra:
- Đầu tư quá mức vào công nghệ.
- Quá tập trung vào thể thao.
- Tính chọn lọc thấp trong đào tạo giáo viên.
Đầu tư quá mức vào công nghệ
Đối với một nước tiên tiến như Mỹ thì hẳn nếu phòng học đầy máy tính bảng, TV màn hình lớn, smartphone, máy bấm không dây v.v... thì chắc là không một ai ngạc nhiên. Khổ nỗi là các nước đứng đầu bảng xếp hạng PISA thì có "cơ sở vật chất rất sơ sài". Có vẻ như ở những nơi này, vẫn dạy học kiểu truyền thống: lớp học chỉ có 4 bức tường, muốn trả lời hay hỏi gì đó thì học sinh phải giơ tay rồi giáo viên sẽ chỉ định, hoàn toàn không có máy bấm không dây như kiểu đang chơi điện tử. Không biết có trường nào ở tốp đầu ngồi học ngoài trời theo style Wardoft-Steiner không, haha. Tóm lại là nhà báo than phiền rằng tiền thuế đã bị đổ vào "đồ chơi công nghệ quá nhiều".
Hồi mình còn đi học cấp một-hai ở tỉnh thì đúng là cái lớp chỉ có bốn bức tường thật, vôi trên tường thì cũ, máy chiếu cũng là khái niệm xa vời hầu như không ai biết, có thằng bạn lên thành phố học một thời gian rồi chuyển về kể chuyện cái máy chiếu mà bạn bè ngồi vòng tròn nghe lác cả mắt. Lúc đó nó bảo cái máy chiếu giá mấy chục triệu thì có đồng chí mắc tè quá suýt tè cả ra quần, mình nhớ là lương ba mình lúc đó cỡ cỡ loanh quanh 1 triệu gì đó thôi. Lên cấp ba thì tới năm 12 mới học máy chiếu và học cũng không quen, chắc là do 11 năm học với việc ghi chép những gì thầy cô ghi trên bảng quen rồi nên nhất thời cũng không thể nào quen được, may là cũng chỉ học có một môn với một thầy có chức vụ tương đối cao trong Đại học Quốc gia. Có nghĩa thầy cũng là lãnh đạo cấp cao nên anh em mới tiếp xúc được với cái máy chiếu, khổ nỗi anh em cũng không mặn mà gì. Tiện thể thì thầy là lãnh đạo cấp cao nhưng thầy cũng khá hiền và gần gũi nhé, không mang style quan chức lắm đâu, do thời đó do không bạn nào thích học máy chiếu nên không ấn tượng tốt với thầy thôi.
Tới thời con mình thì khác hẳn, hồi đó đang đi tìm trường mầm non cho bé nhà mình, đến cái trường Quốc tế nọ, trường có cái màn hình to đùng, âm thanh rất ồn ào, có vẻ như style của trường là dạy trẻ show-up bản thân thì phải. Đúng là mình quan sát thấy bé nào cũng lanh lẹ, nói năng rành rọt và thể hiện rất tốt, nhìn mà mê mẩn ngất ngây luôn. Xong mình được cô giáo bảo là con mình chập chạm, ù lì, thiếu nhanh nhẹn...., vài điểm yếu nữa nhưng mà tới đây mình lùng bùng lỗ tai rồi nên không nghe thêm được gì khúc sau nữa nên đành ngậm ngùi dắt con về. Cháu yếu quá bị cô chê thì chịu chứ biết làm sao. Haizzzzz. Nói chung thì mình cũng đi vài trường Quốc tế cho biết thôi chứ cũng không đủ tài chính cho cháu học, nhưng phải thừa nhận là cơ sở vật chất tốt, có "áp dụng công nghệ" trong việc dạy và học, hẳn là Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mừng vì trường đã thực hiện đúng "chủ trương của Đảng và nhà nước" trong áp dụng công nghệ ngay cả trong giáo dục mầm non.
Gần đây, Bộ Giáo dục cũng đã cho phép sử dụng điện thoại trong lớp học, trên các diễn dàn đều đang tranh cãi gay gắt. Báo tuổi trẻ bản online cũng có một seri dài về chuyện này. Các bạn nghĩ sao về việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp?
Quá tập trung vào thể thao
Cái này thì coi phim thấy nhiều nè, học sinh cấp 3 cố gắng chơi thể thao tốt, một mặt thì trở thành ngôi sao sáng ở trường cấp 3 của mình, mặt khác thì có nhiều học bổng để học thể thao ở các trường Đại học. Mình không nhớ tựa đề nhưng mình nhớ có một phim có nội dung là các huấn luyện viên từ trường ĐH về các trường cấp 3 để tìm kiếm tài năng và anh chàng nhân vật chính đã rất nổi tiếng từ hồi cấp 3. Thêm nữa là không rõ ngoài đời thế nào chứ trong phim thì thấy nhiều pha tình cảm "trong sáng" lẫn "trong tối" giữa anh đội trưởng bóng bầu dục/bóng rổ... với bạn gái trong đội cổ vũ. Chắc phim làm quá lên thôi, chứ học sinh sao lại "sướng" thế được. Bạn nào ở Mỹ biết rõ vấn đề thì nhảy vào bình luận chơi nhé.
Ở Việt Nam thì hiển nhiên là thể thao không được ưu ái như thế rồi. Hồi học Đại học, mình có thằng bạn học Đại học Thể dục thể thao, ngồi coi phim với nó mà nó cứ ước ao nó đang ở Mỹ. Sau này thì nó tốt nghiệp thì cũng xin được làm thầy giáo môn Thể dục ở một trường cấp 3. Mỗi năm tới 20/11 thì lên trường cho có mặt thôi, chứ cơ bản là "trắng tay" không có lấy cái thiệp mà cầm chứ đừng nói là quà, giờ cũng lên làm thầy làm cha rồi, không biết còn ước ao sống ở Mỹ như thời còn Đại học không.
Tính chọn lọc thấp trong đào tạo giáo viên
Trước giờ thì mình coi phim Mỹ thôi, nên cũng không biết để làm giáo viên bên Mỹ có khó không, đọc tới đoạn này mình cũng hết hồn. Nhà báo Ripley nói rằng "hầu hết ai tốt nghiệp trung học cũng đủ tiêu chuẩn làm giáo viên" và "sinh viên phải đáp ứng tiêu chuẩn học tập cao hơn để đá bóng so với để trở thành giáo viên". Mình há hốc mồm luôn ấy chứ, không đời nào mình nghĩ làm giáo viên ở Mỹ lại dễ thế, chắc nhà báo viết hơi thậm xưng lên thôi.
Cái trên thì ở Mỹ nên mình giới thiệu cho biết thôi chứ không đào sâu. Việt Nam thì chắc chưa nghiêm trọng như thế, nhưng câu nói "chuột chạy cùng sào, mới vào Sư phạm" thì đúng là năm nào cũng nghe, hình như câu này còn xuất hiện trên cả Táo quân thì phải, cho thấy rằng học sinh nước ta cũng không mặn mà gì lắm với nghề giáo viên. Vì sao các bạn chê ngành giáo viên thì hẳn đó là một câu chuyện dài, hồi trước mình hay giải thích ngắn ngọn cho vài đồng nghiệp là: "muốn tham gia vào ngành giáo dục thì phải làm nhiều việc phản giáo dục, thế nên là nản". Nhớ năm nào đó có báo động, ngành Sư phạm lấy điểm đầu vào thấp lè tè, làm dấy lên sự sợ hãi trong toàn xã hội về thế hệ tương lại của nước nhà. Ai cũng hiểu là "có bột mới gột nên hồ" nên giáo viên mà tệ thì học sinh tốt thế nào được. Nếu phải chọn trong 3 yếu tố kể ra ở trên, yếu tố nào mang tính quyết định nhất thì mình sẽ chọn yếu tố về chất lượng giáo viên này. Chắc bạn đã từng nghe sự ưu việt của giáo dục Phần Lan, các bạn hãy đọc thử trình độ giáo viên của Phần Lan ở đây.
Tạm thời phần này mình viết tới đây, đọc xong thì các bạn cũng "nhìn người mà ngẫm lấy ta", cái gì đã đến với nước bạn rồi thì từ từ cũng sẽ đến với nước mình. Phần 10 sẽ đề cập tới vấn đề vì sao trẻ ngày càng mong manh.