Khi chúng ta học lịch sử ở Việt Nam, chúng ta được dạy rằng từ năm 1945 nước Mỹ đã trở nên giàu có nhất thế giới nhờ bán vũ khí cho các bên trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ kẻ phải vay mượn châu Âu, thì sau thế chiến gần như tất cả các nước châu Âu đều là con nợ của Mỹ. Cái này thì mình cũng không dám lạm bàn, nhưng ai cũng biết là từ năm 1945 đến năm 1970 thì Mỹ phát triển một cách rực rỡ về công nghiệp, khoa học kỹ thuật v.v... mà không một nước nào có thể sánh kịp kể cả nước đối trọng là Liên Xô lúc đó. Từ 1970 đến 1995, tuy Mỹ không duy trì thế "hận đời vô đối" được nữa, bị các nước như Nhật Bản, Đức, Ý... bám đuổi quyết liệt nhưng thời kỳ này Mỹ vẫn còn giữa được một khoảng cách khá lớn với các nước này ở nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, điện toán, công nghệ thông tin. Trẻ em Mỹ thời đó từng được ngợi ca là những học sinh giỏi nhất thế giới, tuy nhiên, từ 1995 tới nay thì Mỹ tương đối bị tụt lại so với các nước, vì sao lại thế?

Nhiều người bạn Mỹ của tác giả đã nhận định rằng "sự không vâng lời của sinh viên Mỹ là điều kiện tiên quyết của sự sáng tạo". Mình cũng có cảm giác điều này đúng, mình chưa tới Mỹ bao giờ, cũng không có người bạn nào là người Mỹ gốc, nhưng khi mình coi phim Mỹ, mình cảm thấy rằng học sinh ở Mỹ có một sự tự do rất to lớn: tự do trong nói năng, tự do trong suy nghĩ, tự do trong học thuật. Thậm chí ở nhiều bộ phim mình coi, trẻ em lần đầu tiên đến nhà trẻ đã được cô giáo đối xử như người lớn. Thú thực rằng, ấn tượng của mình về giáo dục ở Mỹ khá tốt, sau này thì mình ấn tượng giáo dục ở Phần Lan (khi nào có thời gian mình sẽ tìm hiểu kỹ hơn về giáo dục Phần Lan).

Bạn có thấy nó "hơi sai sai" ở đâu đó khi nói rằng "không vâng lời" là điều kiện tiên quyết của "sáng tạo" không? Tác giả đã chỉ rằng nhận định của những người bạn của mình hoàn toàn không đúng, vì giai đoạn rực rỡ nhất của Mỹ (1945-1970) thì lúc đó những đứa trẻ đều rất tôn trọng giáo viên, khi các bạn coi lại những bộ phim vào thời này của Mỹ, các bạn cũng thấy rằng tình trạng trường lớp của Mỹ cũng giống như nhiều nước châu Á bây giờ: giáo viên có một quyền uy rất lớn và học sinh phải im lặng lắng nghe giáo viên. Giai đoạn kém rực rỡ hơn tí xíu nhưng vẫn còn rất rực rỡ (1970-1995) thì sự tôn trọng của học sinh cho giáo viên vẫn còn ở mức cao dù đã xói mòn đi ít nhiều. Từ khi "văn hóa thiếu tôn trọng" lên ngôi thì nước Mỹ đã có một bước trượt dài. Rõ ràng, "văn hóa thiếu tôn trọng" có phải là nguyên nhân của sự trượt dốc hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn rằng nó không phải là một tiền đề cho sự sáng tạo.

Tuy các nước nói tiếng Anh có nền văn hóa tương đồng, nhưng hiện tượng "văn hóa thiếu tôn trọng" lại chỉ xảy ra ở nước Mỹ. Lần đầu tiên tới Úc, tác giả cũng thấy văn hóa đại chúng của Úc cũng không khác Mỹ mấy, đại khái cũng là Brad Pitt, Angelina Jolie.... và không một chương trình/tạp chí nào của Úc tồn tại nổi trong top 5 nên tác giả đinh ninh rằng với kinh nghiệm lâu năm của mình trong giải quyết vấn đề "văn hóa thiếu tôn trọng" ở Mỹ sẽ giúp ích phần nào đó cho vài giáo viên ở các trường ở Úc. Khi tác giả bắt đầu câu chuyện ở Úc với lời giới thiệu "sẽ luôn có một số em cố gắng làm giảm thẩm quyền của bạn và hạ bệ bạn" thì các giáo viên ở Úc đã tỏ vẻ ngạc nhiên rõ ra mặt. Một giáo viên đã không chịu nổi nữa phải giơ tay phát biểu rằng ở Úc, chúng tôi không gặp học sinh nào cố gắng làm giảm thẩm quyền của chúng tôi. Ở Úc, khi kết thúc bài học, nhiều học sinh đã nói lời cảm ơn thầy cô vì bài giảng, còn ở Mỹ nếu làm thế thì học sinh khác sẽ chế nhạo học sinh đó đang nịnh bợ thầy cô. Tóm lại là, những điều đúng ở Mỹ thì không đúng ở Úc hay ở Anh, dù hai nước này tràn ngập tin tức/tạp chí/chương trình... của Mỹ.

Trong chương này, thước đo mà tác giả dùng để đo lường để chứng minh cho mọi người thấy học sinh Mỹ ngày càng tụt dốc là "chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (Programme for International Student Assessment - PISA)". PISA là chương trình của "Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - Organization for Economic Cooperation and Development (OECD)" phát triển dùng để đánh giá năng lực của học sinh 15 tuổi ở ba lĩnh vực là Toán, đọc hiểu và khoa học. Ở các quốc gia được kiểm tra thì trường học và học sinh được kiểm tra năng lực sẽ được chọn ngẫu nhiên. Tác giả cho rằng đây là một chương trình được "thiết kế kỹ lưỡng, kiểm tra được năng lực và sự sáng tạo của học sinh chứ không đơn giản là học thuộc lòng" nên tác giả hoàn toàn tin tưởng vào sự tụt dốc của học sinh Mỹ từ lần đầu tham gia năm 2000 cho tới lúc viết quyển sách này là 2012. Năm 2018, Việt Nam đã có một kết quả rất ấn tượng nhưng lại không được xếp hạng, các bạn có thể đọc thêm ở đây. Nói chung, đọc bài xong thì chắc bạn cũng nghĩ như mình, có thể khâu tổ chức của Việt Nam có gì đó còn "thiếu minh bạch". Mình và thằng bạn thân ngồi chém gió một buổi sáng đoán rằng bằng cách nào đó, những học sinh được chọn đi thi đã được "luyện gà" (cái này đoán thôi nha, không dám chắc), sự chọn lựa đã không còn ngẫu nhiên mặc dù "OECD khẳng định Việt Nam không có gì sai sót về quá trình tổ chức thực hiện, hoặc thao túng số liệu hay thiên lệch khi chấm điểm". Việt Nam có kết quả như sau: khoa học đứng thứ 4, đọc hiểu đứng thứ 13, và Toán thì lại đứng thứ 24, bạn có thấy kết quả "hơi kỳ kỳ" không, hay tại chúng ta bị ám ảnh việc học sinh Việt Nam giỏi Toán nên thấy nó không ổn?

Mình tạm thờ kết thúc ở đây. Phần 09 mình sẽ phân tích thêm nhận định của nhà báo Amanda Ripley bình luận về kết quả PISA của học sinh Mỹ.