Ở phần trước mình đã giới thiệu về "rối loạn lưỡng cực", mình hi vọng các bạn đã bỏ chút thời gian tìm hiểu về nó, vì nó cũng hiếm gặp ở Việt Nam nhưng nếu mà cháu nhà thay đổi trạng thái tâm lý thường xuyên quá nên cũng nên để mắt tí xíu. Phần dưới đây mình sẽ giới thiệu về "rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)".

Rối loạn tăng động giảm chú ý - Attention Deficit Hyperactivity Disorder (ADHD)

Từ khóa để hiểu rối loạn này nằm ở 2 cụm từ "tăng động (hyperactivity)" và "giảm chú ý (attention deficit)":

  • Tăng động (Hyperactivity): tình trạng hiếu động, bốc đồng một cách quá mức.
  • Giảm chú ý (Attention Deficit): dễ bị phân tâm, dễ quên, lơ đãng, mơ màng.

Người có cả 2 hiện tượng trên thì bị nghi ngờ mắc "rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)". Bạn có thể đọc thêm ở đây.

Các bạn đọc định nghĩa ở trên rồi ngồi nhìn lại con mình thử, các bạn có thấy quen quen không, nhất là ở những bé trai: lúc đùa nghịch thì chạy nhảy, la hét, làm rầm rầm nhưng một chút sau thì ngồi thở, thẫn thờ, im lìm không nói gì về nhà thì quên cả dép, quên này quên kia. Thôi chết, cháu bị ADHD rồi, các bạn cho cháu dùng thử thuốc gì chưa? Adderall, Vyvanse hay Risperdal? Haha, mình đùa thôi. Ở Việt Nam thì nó là chuyện đùa, chứ ở Mỹ thì nó là chuyện thật.

Tác giả kể rằng, có lần khám cho một bạn đã từng học giỏi những năm cấp 1, nhưng sang cấp 2 thì mất dần hứng thú với việc học hành và ngày càng sa sút. Bạn đó được cha mẹ mang đi khám, cộng với những đánh giá ở trường, bạn đã được BS nhận định rằng tình trạng của bạn rất phù hợp với ADHD và cho bạn uống thuốc, những loại thuốc mà mình liệt kê ở đoạn trên. Sau đó thì tác giả phát hiện ra đơn giản là bạn thiếu ngủ do chơi điện tử trong phòng riêng, các triệu chứng do thiếu ngủ gây ra cũng tương tự các triệu chứng của ADHD. Và tới đây thì bạn hiểu tại sao cho trẻ thuốc thì "cả nhà đều vui" chưa? Vì thuốc là chất kích thích mạnh, nó đã bù đắp được sự thiếu ngủ nên trẻ vẫn có thể thức khuya chơi game, cha mẹ thì thấy con có biểu hiện tốt hơn nên vui hơn, BS thì được khen là mát tay, khám trúng bệnh luôn. Vui thế còn gì.

Sự bi đát đến với trẻ đến từ bộ ba thần thánh: "giáo viên - phụ huynh - BS". Các bạn nghĩ thử xem, trẻ em hiếu động, không ngồi yên một chỗ, nói chuyện trong lớp cũng là chuyện bình thường, nhưng ở Mỹ thì không vậy. Một giáo viên đã đề nghị phụ huynh đưa một học sinh hiếu động đi khám tâm thần, và lúc đi khám, BS nhanh chóng giới thiệu một vài loại thuốc cho trẻ uống thử xem hiệu quả không? Đương nhiên là hiệu quả, như quăng cái smartphone cho trẻ đỡ mè nheo vậy mà. Ví dụ này làm các bạn rất khó tin đúng không, mình cũng vậy. Chỉ là một đứa trẻ hiếu động thôi, mà thông qua bộ ba thần thánh thì đã trở thành một đứa trẻ bị bệnh, phải uống thuốc điều trị tâm thần. Rõ ràng, ở mọi nơi khác trên thế giới, khi học sinh có hành vi thô lỗ, không nghe lời thầy cô thì thầy cô có thể sẽ gọi phụ huynh và trách mắc đứa trẻ với những lời lẽ khó nghe thậm chí phản giáo dục, nhưng không nơi nào trên thế giới lại giới thiệu trẻ hiếu động đi khám tâm thần cả. Đọc tới đoạn này làm mình nhớ hồi trước, báo chí Việt Nam làm ầm lên vụ có giáo viên nào đó bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng thì phải, giờ các bạn thấy mình may mắn chưa, chỉ uống nước giẻ lau bảng thì dơ một chút thôi, chứ không phải uống thuốc trị tâm thần nhé. (haha, mình đùa thôi, đừng nghiêm trọng quá lời đùa này).

Thực ra, giáo viên nói: "con anh chị thiếu tôn trọng" và "con anh chị có dấu hiệu rối loạn tâm thần" có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Câu trước quy trách nhiệm cho phụ huynh và học sinh, phụ huynh phải dùng uy quyền của mình để chấn chỉnh học sinh phải tôn trọng thầy cô, còn câu sau thì đổ lỗi cho sức khỏe tâm thần của trẻ và trách nhiệm bị quy cho BS và hệ thống y tế. Có trẻ ở Mỹ hiếu động bị cô giáo bắt ngồi im và trẻ đã cắn cô giáo, khi cô giáo gọi điện cho phụ huynh thì phụ huynh chẳng buồn xin lỗi, và trả lời đại khái như: "cháu nó bị rối loạn tâm thần, cô cũng biết rồi mà". Trách nhiệm đáng ra của cha mẹ thì đã được đẩy qua người khác thật dễ dàng. Ở Việt Nam thì mình chưa nghe mấy vụ dùng thuốc này bao giờ, nhưng mà hay nghe kiểu như khi trẻ làm hư/bể cái gì đó, hoặc có một hành động sai trái nào đó thì phụ huynh lại biện hộ kiểu: "cháu nó còn nhỏ, có biết gì đâu". Tình huống thì có thể khác nhau, chứ style chuyền quả banh trách nhiệm thì nó giống nhau trên toàn thế giới, haha. Mình hi vọng các bạn đọc tới đây không thấy mình trong đó. Trong bất cứ tình huống nào mà con mình làm sai, thì các bạn cũng phải nhận lỗi và xin lỗi, trẻ sẽ luôn coi cha mẹ là tấm gương để điều chỉnh hành vi của chính bản thân mình.

Những qui tắc sau là những điều mà tác giả giới thiệu cho phụ huynh bên Mỹ để cho trẻ giảm nguy cơ bị dùng thuốc, tuy nhiên mình thấy nó hay nên nêu ra ở đây:

  • Dạy trẻ tự kiểm soát: đây là nhiệm vụ quan trọng của phụ huynh lẫn giáo viên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trẻ kiểm soát tốt sẽ có một cuộc tốt hơn sau này, cái này gọi là "khổ trước sướng sau", mình có viết một bài rất ngắn gọn ở đây.
  • Khi thích hợp, hãy ra lệnh, đừng đặt câu hỏi. Điều này có thể khiến các phụ huynh "tiên tiến" muốn làm bạn với con thấy phiền lòng. Tới giờ về thì phải "đến giờ rồi, phải về thôi con", đừng chuyển nó thành câu hỏi kiểu như "con có muốn về không?". Tác giả kể rằng có phụ huynh mang con tới chỗ phòng khám của tác giả và hỏi: "con có phiền để BS khám cho con một chút không" và trẻ trả lời gần như tức khắc: "CON CÓ PHIỀN". Chậc, tiếp theo biết nói với cháu làm sao, haha.
  • Ăn tối cả gia đình: hẳn bạn cũng đọc hay nghe đâu đó rằng các đại gia công nghệ như Bill Gates hay Steve Jobs luôn luôn bắt buộc con ăn tối cùng gia đình, và khi ăn tối không được dùng điện thoại hay thiết bị điện tử nào. Như ở các phần trước có đề cập, ăn tối gia đình giúp tăng cường thẩm quyền của cha mẹ lên con cái, và làm tốt lên mối quan hệ các thành viên trong gia đình. Thực ra không chỉ ăn tối, mà mọi thành viên trong gia đình phải ý thức được rằng gia đình là quan trọng nhất, luôn luôn phải giành thời gian cho gia đình, nhất là người cha/ba/bố trong gia đình hay lấy lý do vớ vẩn để về nhà trễ lắm. Bố già Corleone của tác phẩm kinh điển The Godfather đã dạy rồi: "Một người đàn ông không dành thời gian cho gia đình, không bao giờ có thể trở thành đàn ông thực sự". Các anh trai đã có gia đình thì phải nhớ lời "bố" nhé.

Mình kết thúc phần giới thiệu ADHD ở đây, hi vọng mình đã mang tới một khái niệm mới cho các bạn vì ADHD khá hiếm ở Việt Nam. Phần 08 mình sẽ giải thích vì sao tác giả cho rằng "học sinh Mỹ bị tụt lại phía sau". Chắc điều này không làm bạn ngạc nhiên, vì hẳn bạn đã đọc/nghe ở đâu đó rằng các nhà làm chính sách của Mỹ khá lo lắng cho nền giáo dục của Mỹ khi mà ranking của Mỹ liên tục bị tụt hạng so với các nước. Nếu các bạn đọc từ đầu tới giờ thì chắc là bạn cũng đoán ra nguyên nhân là do "văn hóa thiếu tôn trọng" của trẻ em Mỹ gây ra. Hẹn gặp lại các bạn ở phần sau.