Các bạn có thường xuyên nghe cụm từ như "rối loạn lưỡng cực" hay "rối loạn tăng động giảm chú ý" không? Mình nghĩ là
không, họa hoằn lắm thì ở Việt Nam mới nghe được hai cụm từ này. Thực ra trên thế giới, hai cụm từ này cũng rất hiếm
gặp ở trẻ em ngoại trừ nước Mỹ. Ngay cả các đồng nghiệp của tác giả ở nước Đức đã rất nghi ngờ không hiểu sao ở Mỹ trẻ
lại được chẩn đoán bị hai bệnh trên cao như vậy.
Ở các phần trước, mình đã review điều gì làm trẻ béo phì và vì sao cha mẹ không có uy quyền dễ tạo ra những đứa
trẻ béo phì, thì phần này và phần tiếp theo mình sẽ giới thiệu sơ qua hai rối loạn ở trên.
Rối loạn lưỡng cực (RLLC) - Bipolar Disorder
RLLC là "những kỳ trầm cảm luân phiên với những kỳ hưng cảm". Từ khóa để hiểu định nghĩa RLLC là cặp "trầm cảm-hưng
cảm" (nó trái ngược nhau như hai cực nên gọi là lưỡng cực) và "luân phiên". "Trầm cảm" thì dễ hiểu rồi, "hưng cảm" thì
kiểu như hưng phấn, quá khích hay tăng động, và hai trạng thái trái ngược này xảy ra "luân phiên". Hy vọng tới đây các
bạn hiểu định nghĩa của RLLC rồi. Bạn có thể đọc thêm về RLLC để hiểu rõ thêm ở đây.
Sự luân phiên nay có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng đối với người trường thành. Cái tai
hại ở đây là có một Giáo sư rất nổi tiếng của trường Y khoa Harvard (Harvard Medical School thì nổi tiếng kinh rồi)
là GS B. cho rằng đối với trẻ thì sự "luân phiên" ở đây là những chu kỳ nhanh, mỗi đoạn chỉ
kéo dài vài phút chứ không phải vài ngày, vài tuần hay vài tháng như ở người lớn. Nói nôm na là, ở
trẻ em thì RLLC là sự luân phiên của trầm cảm và hưng cảm chỉ xảy ra có vài phút, trẻ sẽ thay đổi trạng thái rất
nhanh.
Tới đây bạn đã thấy điều tai hại ở đây chưa? Bạn hãy dừng lại suy nghĩ khoảng vài giây rồi xem ví dụ của tác giả ở đoạn dưới.
Có một câu bé 8 tuổi đến khám chỗ phòng khám của tác giả. Cậu bé rất vui vẻ chơi với con vịt đồ chơi của mình và thậm chí còn giả giọng chú vịt nữa. Nhưng cha mẹ cậu bé kể rằng nếu có chuyện gì xảy ra ngoài mong đợi, cậu bé sẽ la hét, nổi khùng, phát điên, ném đồ.... Và bất ngờ thay, 5 phút sau cậu bé lại cười như chưa có gì xảy ra. Các bạn có nhận thấy cảnh tượng có giống với mô tả của Giáo sư B. ở trên không? Hoàn toàn giống. Và bạn có thấy cảnh này quá quen thuộc ở Việt Nam không, mình đoán là nó cũng khá quen thuộc. Nhưng ở Việt Nam thì hầu hết cha mẹ đều cho rằng trẻ em như vậy là bình thường.
Các bạn có từng nghe/đọc ở đâu đó nói rằng: nếu bạn đau bụng mà bạn Google thì Bác sĩ Google sẽ chẩn đoán bạn bị ung thư, còn nếu ngủ dậy nhức đầu mà Google thì nhiều khả năng BS Google sẽ chẩn đoán bạn sắp bị mất trí nhớ, hoặc tệ hơn là bạn có thể bị chấn thương sọ não. Và ở Mỹ cũng thế, cha mẹ cậu bé đã Google xem cháu bị gì, kết quả thì chắc bạn cũng đã biết: "rối loạn lưỡng cực". Và bà mẹ cũng đọc được trên tờ Newsweek nghiên cứu của GS B. và uống một số loại thuốc do GS B. ở trên giới thiệu. Tác giả đã cố giải thích cho cha mẹ cháu bé rằng đứa trẻ 8 tuổi thay đổi các trạng thái tâm lý khác nhau trong thời gian ngắn là "chuyện bình thường như cân đường hộp sữa", và việc cậu bé hét lên khi không được mua đồ chơi ở cửa hàng là do cha mẹ cậu bé chưa dạy cậu bé các quy tắc ứng xử đúng, hoặc có dạy nhưng lơ là không được thực thi nhất quán. Khổ nỗi, dù tác giả đã nhiệt tình hết sức nhưng kết quả là "người mẹ đã rời khỏi phòng khám ngay lập tức".
Sau này, nhiều nhà nghiên cứu khác bắt đầu nghi ngờ nghiên cứu của GS B. và khám kỹ lại nhiều trẻ bị chẩn đoán RLLC thì phát hiện ra các cháu hoàn toàn bình thường. GS B. cũng thừa nhận các công ty dược đã tài trợ cho nghiên cứu này của GS B. Thôi chúng ta dừng đề cập GS B. ở đây.
Ở trên, mình đã nói sơ qua về tai hại của một nghiên cứu không khách quan và tai hại của việc cha mẹ không dạy con các qui tắc đúng và tin sái cổ vào Google thì còn có một tai hại khác nữa đó là: BS kê một đơn thuốc thì dễ dàng hơn là ngồi tư vấn cho cha mẹ về việc dạy dỗ con cái. Bạn có thấy nó giống với việc cha mẹ quăng cho con cái smartphone cho con đỡ mè nheo, cả nhà đều vui không? Thuốc tác động rất nhanh và mọi người sẽ thấy kết quả ngay trong thời gian ngắn, còn việc dạy các quy tắc cho trẻ thì cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn của cha mẹ, đó là chưa kể việc khuyên các bậc cha mẹ thay đổi cách thức giáo dục con cái thì thường nhận được sự giận dữ, lơ là, thậm chí là sự nghi ngờ của phụ huynh. Nếu cha mẹ không nhận thức được rằng khi sinh con ra chính bản thân mình phải thay đổi tốt hơn để dạy dỗ con thì gần như không thể khuyên cha mẹ thay đổi cách giáo dục mà cha mẹ đó đang áp dụng được. Tác giả cho rằng đây là lí do chính dẫn tới việc lạm dụng kê đơn thuốc cho trẻ em ở Mỹ, đơn giản là "cả nhà đều vui". Mình nghe đâu Shark bên kinh tế cũng hay có lời khuyên kiểu như "lợi ích ngắn hạn có thể gây ra bất lợi trong dài hạn", lợi một xíu trước mắt thì sẽ hại nhiều xíu ở tương lai.
Phần này mình viết khá ngắn, mình chỉ giới thiệu sơ lược về RLLC, điều này cũng khá hiếm khi nghe ở Việt Nam mình. Để
kết thúc phần này mình gửi cái hình từ group Facebook Truyện cổ Remix.
Phần 07 mình sẽ giới
thiệu qua về rối loạn tăng động giảm chú ý, cũng khá hiếm nghe ở Việt Nam mình. Cảm ơn các bạn đã đọc bài.