Ở phần trước, mình đã review về "Trẻ ăn gì", tiếp theo là 2 vấn đề: "trẻ làm gì" và "trẻ ngủ được bao nhiêu" cũng ảnh hưởng tới việc trẻ bị béo phì.

Trẻ làm gì?

Lười vận động là hiện tượng đáng báo động ở nhiều nơi thế giới chứ không riêng gì Mỹ hay Việt Nam và cũng không giới hạn ở trẻ em, thanh niên, trung niên hay người già. Internet thì ngày càng nhanh hơn, thiết bị thì ngày càng tốt hơn nên giờ hầu như ngay cả trẻ em cũng biết sử dụng smartphone hay laptop. Công nghệ tốt hơn đã đành, nội dung cũng càng ngày càng vui hơn, bắt mắt hơn, người làm nội dung cũng tìm đủ mọi cách, mọi thủ đoạn để lôi kéo càng nhiều người coi càng tốt để view cao tăng tiền quảng cáo. Giờ đây, cảnh tượng một đám bạn đang ngồi ở một quán cafe sang chảnh, tất cả đều cắm mặt vào điện thoại cũng không còn gì lạ lẫm nữa. Có bạn trẻ bảo mình rằng vào nhà vệ sinh mà quên smartphone là ngồi ... không yên. Thật là một thanh niên thật thà.

Đó là thanh niên, còn trẻ em, một đối tượng cần có sân chơi lành mạnh cũng cắm mặt vào điện thoại nốt. Rõ ràng là ở xã hội hiện đại, các cha mẹ cũng rất áp lực khi đi làm, nên khi trở về nhà thì cũng đã mệt mỏi kiết sực rồi, thời gian đâu mà chơi với con. Thêm nữa, trẻ cũng hay đòi hỏi hoặc khóc nhè rất nhức đầu, thế nên để cho đơn giản quăng cho trẻ cái smartphone coi hoạt hình là nhẹ cả người, cả nhà đều vui. Tất nhiên chúng ta đều biết rằng thuốc trị được bệnh thì đắng, đường ngọt thì gây ra nhiều bệnh tật, nên lâu dài kiểu nuông chiều trẻ này sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho trẻ như thiếu vận động nên sức đề kháng kém, sự tập trung kém, giáo tiếp xã hội kém....

Thực sự, chính bản thân mình cũng nhiều lần oải quá, quăng cho bé cái smartphone coi Peppa pig cho lành. Hồi cháu bị loét miệng ăn uống không được cũng phải cho cháu vừa coi smartphone vừa đút ăn, chứ nếu không thì cháu cự tuyệt không ăn gì vì cổ họng quá đau. Bạn mình kể một truyện cũng khá hài hước, có một chị là chủ của một trường mầm non có phương pháp giáo dục, phương pháp giáo dục này yêu cầu trẻ phải học và chơi ngoài trời, sử dụng vật dụng từ thiên nhiên như gỗ hoặc len, hạn chế tối đa tiếp xúc với công nghệ nhưng việc ở trường đuối quá tối về cũng phải quăng cho con cái ipad để cho con coi. Hài hước hơn nữa là có anh phụ huynh bảo mình rằng "trông con dễ ẹc", sau mình mới biết là anh ấy quăng cho 2 đứa nhỏ 2 cái smartphone. Phải nói là làm vầy thì dễ thiệt sự luôn ấy chứ. Thôi thì chúng ta chấp nhận rằng kiểu gì cũng phải có lúc quăng cho con cái smartphone, nhưng đừng bừa bãi, mà phải hạn chế tối đa việc này.

Ở trên, mình nói hơi dài dòng về smartphone, cho thấy rằng vì nó mà chúng ta lười: lười chăm con, lười vận động, lười suy nghĩ, tóm lại là lười đủ thứ. Mà lười thì dễ béo phì, quá dễ hiểu. Một vấn đề hơi khó hiểu hơn chút xíu là giấc ngủ.

Trẻ ngủ được bao nhiêu?

Các bạn có bao giờ đọc báo và thấy các tiêu đề kiểu như: "thiếu ngủ gây béo phì", "bị stress gây béo phì" hoặc hài hước hơn là "thất tình dễ gây béo phì" không? Thực ra, điều này cơ bản là đúng vì các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng thiếu ngủ sẽ dẫn tới tăng cân. Hẳn là có thể bạn không đồng ý vì bạn cho rằng ngủ thì không vận động gì và nội tạng hoạt động chậm lại trao đổi chất ít hơn, còn thức thì cho dù ngồi một chỗ vẫn vận động nhiều hơn là ngủ. Như ở phần 04 mình đề cập rằng rối loạn nhịp sinh học gây ra béo phì thì lý do ở đây cũng y như vậy. Não người cũng cần một giấc ngủ đầy đủ để khỏe mạnh, và nếu ngủ không đủ não sẽ suy yếu và rất nhiều chức năng sẽ rối loạn, dễ bị stress. Nhưng rối loạn nào của não khiến ta dễ tăng cân? Đó là khi não bị mệt, não sẽ gửi tín hiệu cần năng lượng để hoạt động, đây là một tín hiệu sai vì dù người có đủ năng lượng rồi thì não vẫn gửi đi tín hiệu này. Hẳn bạn từng nghe ai đó khuyên rằng "lúc mệt thì nên ăn một thanh sô-cô-la", đơn giản là do lúc mệt thì não trì trệ, mà não thì cần rất nhiều đường. Uhmmm... sâu xa hơn, là vì ăn nhiều đường cũng gây nghiện như ma túy, vì nó kích thích "cơ chế phần thưởng" của não. Bạn đang mệt, chơi một xíu ma túy loại nhẹ thì khỏe hơn đúng không? Các bạn hãy xem tác động của đường lên não thêm cho biết, nó cũng giải thích vì sao trẻ khó ăn rau:

Video có vẻ hơi đi xa đề tài rồi, ta quay lại nào. Ở trên mình đã giải thích vì sao thiếu ngủ sẽ dễ gây tăng cân, nhưng cho dù chúng ta có hiểu rằng giấc ngủ vô cùng quan trọng và tuyệt đối cần phải ngủ đủ giấc thì chúng ta trong thời bây giờ vẫn thiếu ngủ trầm trọng: stress vì công việc, nhậu nhẹt với bạn bè, hoặc đơn giản là ráng luyện hết bộ phim yêu thích trên mạng... Ở Mỹ thì trẻ em có phòng riêng, nên trong phòng ngủ có TV, đồ chơi điện tử... nên trẻ dán mặt vào trong đó và thời gian ngủ của trẻ đã giảm đi trầm trọng, lời nói hối thúc trẻ đi ngủ của cha mẹ hầu như không tác động gì lên được trẻ. Ở Việt Nam thì nơi trẻ ngủ là nơi cá nhân, mình cũng không quan sát được nhiều nên cũng không có câu chuyện nào để kể ở đây. Mình đưa ra thời gian ngủ ở phía dưới để các bạn tham khảo (cái này là trích từ sách ra), các bạn xem thử bé nhà mình đã ngủ đủ chưa:

  • Mầm non, mẫu giáo (từ 2-5 tuổi): tối thiểu 11 tiếng/ngày.
  • Tiểu học, trung học (từ 6-12 tuổi): tối thiểu 10 tiếng/ngày.
  • Thanh thiếu niên (từ 13-18 tuổi): tối thiểu 9 tiếng/ngày.

Để kết thúc phần giấc ngủ này mình có câu chuyện cười như sau: Bụt hiện lên và hỏi một người đàn ông rằng Bụt có hai túi, túi tiền và túi đạo đức thì anh ta chọn túi nào, anh ta òa khóc nức nở và trả lời rằng: "Bụt ơi, con chọn đi ngủ".

Vài lời để kết thúc

Bạn có thấy rằng văn hóa bất kính của trẻ sẽ khiến những đứa trẻ này dễ béo phì hơn? Trẻ từ chối ăn lành mạnh như rau củ, ăn nhiều thức ăn vặt, ít vận động và thức khuya hơn. Mình hi vọng tới đây các bạn ý thức được rằng để trẻ tự quyết định các vấn đề của mình như ăn uống, vận động, giấc ngủ sẽ gây ra tai hại như thế nào lên trẻ. Tiếp theo, một điều khá hiếm ở Việt Nam nhưng khá phổ biến ở Mỹ đó là trẻ ở Mỹ dạo này được chẩn đoán "rối loạn tăng động giảm chú ý" hay "rối loạn lưỡng cực" ngày càng tăng cao. Mình sẽ viết tiếp chủ đề này ở phần 06: tại sao nhiều trẻ phải điều trị bằng thuốc. Cảm ơn các bạn đã đọc bài.