Quyền uy của cha mẹ

Giả sử có 2 chọn lựa như ở dưới để dạy con thì bạn sẽ chọn cái nào?

  • "Đối xử với người khác như cách con muốn người khác đối xử với con, yêu thương hàng xóm như bản thân con", đây là mệnh lệnh lên trẻ nhỏ, không phải gợi ý.
  • "Con cảm thấy thế nào nếu ai đó làm như vậy với con?", mệnh lệnh ở trên được thay thế bằng một câu hỏi.

Khi nói tới "quyền uy của cha mẹ", nhiều người sẽ nghĩ tới kiểu kiểu như kỷ luật của cha mẹ, hay style cha mẹ làm con sợ hãi với gương mặt giận dữ của mình. Và nhiều phụ huynh "tiên tiến" đều muốn làm bạn với con, song hành cùng con chứ không phải là ra mệnh lệnh cho con. Mình cũng từng kể cho bạn bè nghe rằng "ở nhà, nếu không thuyết phục được cháu nó thay áo, thì không có cách gì bắt buộc cháu phải thay áo được". Bạn bè mình vẫn cười rằng: "đó là cái giá nho nhỏ cho dân chủ". Giả sử các bạn cũng gặp trường hợp như mình, các bạn ra mệnh lệnh cho cháu phải thay áo hay thuyết phục cháu thay áo?

"Quyền uy của cha mẹ" mà tác giả muốn nói ở đây là "cha mẹ quan trọng hơn bạn bè trang lứa". Ở phần trước, mình có nói sơ qua khi mà nhà trường giảm nhẹ việc dạy các quy tắc cuộc sống cho các cháu để tập trung vào dạy học thuật, thì trách nhiệm này hiển nhiên là đẩy lên phía cha mẹ, nhưng cha mẹ đã không ý thức được sự nặng nề này và lơ là nó nên hiển nhiên trẻ sẽ tham khảo ý kiến của bạn bè. Tuy tác giả nêu lên vấn đề ở Mỹ, nhưng ở Việt Nam thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy có vài trẻ nhỏ gắt gỏng, dễ nổi cáu với cha mẹ, hầu như không bao giờ chia sẻ với cha mẹ bất cứ điều gì, nhưng lại dễ thương với bạn bè, và coi bạn bè như bạn tâm giao chia sẻ hết mọi chuyện.
Để dễ hiểu hơn, tác giả có nêu lên câu chuyện đại ý như sau: có một gia đình có cô con gái 12 tuổi, cha mẹ đã có kế hoạch trượt tuyết trong 4 ngày nhưng cô bé từ chối vì lý do cháu không thích trượt tuyết và xin ở nhà bạn chơi. Cha mẹ cháu đã đồng ý và thậm chí có chút tự hào vì cô bé đã có ý kiến riêng, một dấu hiệu của sự tự lập. Những rõ ràng, trẻ 12 tuổi không thể nào tự lập được, chỉ đơn giản là sự phụ thuộc của cô bé thay vì lên cha mẹ thì lại lên bạn bè. Cô bé muốn chiều lòng bạn bè và mong được bạn bè chấp nhận.
Các phụ huynh "tiên tiến" có thể suy nghĩ giống cha mẹ ở trên, nhưng tác giả khuyên rằng cha mẹ nên nghiêm khắc bắt buộc cô bé phải đi cùng gia đình vì vui chơi cùng nhau sẽ tăng cường liên kết các thành viên trong gia đình, đồng thời cũng tăng quyền uy của cha mẹ, trẻ sẽ dần dần cảm nhận được các hướng dẫn của cha mẹ là đúng.
Không chỉ ở Mỹ mà tình hình ở Canada cũng tương tự, Giáo sư Gordon Neufeld đã phát biểu rằng lần đầu tiên trong trong lịch sử, trẻ không tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có trách nhiệm như cha mẹ, thầy cô mà là từ những người chưa bao giờ được đặt ở vị trí nuôi dạy trẻ là bạn bè của trẻ. GS Neufeld cũng có quyển sách có nội dung liên quan quyển này tự đề là "Hold on to Your Kids: Why Parents Need to Matter More Than Peers", tựa đề thôi cũng đã cho chúng ta thấy rằng cha mẹ (parent) thì phải hơn bạn đồng lứa (peer).

Ở Việt Nam, chúng ta cũng có thể quan sát thấy rằng có rất nhiều phụ huynh cố gắng làm hài lòng con, thậm chí cố gắng tránh xung đột với con, luôn muốn con vui vẻ hạnh phúc. Theo mình thì điều này cũng không tốt lắm, giữa con người sống với nhau thì mâu thuẫn xảy ra là không thể tránh khỏi. Khi sinh đứa con đầu tiên, hẳn sẽ có cha mẹ luống cuống thì nhiều tình huống mới chưa bao giờ gặp với con bị phát sinh, lúc này cha mẹ phải ý thức được rằng khi đứa con được sinh ra thì cũng như cha mẹ được sinh ra một lần nữa, có rất nhiều cái phải học, nhiều thói quen phải từ bỏ. Ngay cả việc hướng dẫn cho con cũng phải học, nếu không hướng dẫn cho con mà phục vụ con thì có khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng thêm thảm hại, từ ngữ tác giả sử dụng làm mình rất ấn tượng, đó là "vô ơn pha thêm coi thường". Vì sao cha mẹ phục vụ con cái lại tạo ra những đứa trẻ vô ơn là câu chuyện dài, nhưng giải thích thật ngắn thì là: "cái gì sẵn quá thì người ta không quý" hoặc cách giải thích chính xác hơn, cay nghiệt hơn và ngắn hơn: "có bao nhiêu trẻ tôn trọng osin?".

Ở trên, chúng ta đã đề cập về sự nhầm lẫn của cha mẹ trong việc tạo ra quyền uy với con cái, nhưng điều đó chưa đủ để tạo ra một cái gọi là "văn hóa vô ơn", hẳn là phải có cái gì đó sâu hơn chăng? Trong phần này tác giả nêu một vài ví dụ về "đổi mới" ở Mỹ, và cho ta thấy về sự ám ảnh của người Mỹ về cái "mới" chẳng hạn có một thời kỳ trong quảng cáo nào cũng có chữ "mới" và mọi người nó ngầm hiểu rằng "mới" là "cải tiến/tiến bộ", rồi việc người ta phá bỏ những công trình cũ để xây những công trình mới. Để dễ hình dung thì bạn nghĩ sao về việc dỡ bỏ những tòa nhà cũ để xây dựng những cao ốc mới hoành tráng, cung cấp nơi ở hoặc nơi làm việc cho rất nhiều người? Chẳng hạn dở bỏ Nhà thờ Đức Bà để xây cao ốc? Nước Mỹ không như các nước châu Âu tồn tại từ lâu đời, học địa lý người ta cũng gọi châu Âu là "cựu lục địa" và châu Mỹ là "tân thế giới", nước Mỹ mới được thành lập hơn 300 năm nên rõ ràng bề dày văn hóa không thể so sánh với các nước châu Âu được. Trẻ em châu Âu vào những dịp lễ vẫn mặc những bộ trang phục xa xưa từ thời ông bà, vẫn còn nhiều kiến trúc nhà thờ từ rất nhiều thế kỷ trước. Trong khi đó văn hóa nước Mỹ rất tôn vinh cái mới, tôn vinh cá nhân nên văn hóa coi trọng người già đã bị xem nhẹ rất nhiều so với hầu hết mọi nơi trên thế giới. Nếu có ai đó nói rằng "trẻ em của Mỹ thường nghĩ cha mẹ mình lạc hậu" thì hẳn cũng không mấy ai ngạc nhiên. Như có một lần mình đọc ở đâu đó có câu hỏi rằng rằng khi nghĩ tới âm nhạc là nghĩ tới Beethoven, Bach... hay Justin Bieber? Mình rất ngạc nhiên về câu hỏi vì thậm chí không hề nghĩ rằng có câu hỏi như thế này, tưởng đâu câu trả lời luôn luôn là Beethoven, Bach chứ. haha.

Ở trên mình đã đề cập việc các trẻ em bây giờ dễ cáu gắt với cha mẹ, nhưng lại dễ thương với bạn bè. Các bạn hãy đọc 2 đoạn hội thoại dưới (mình để nguyên không dịch), nó là câu chuyện ở Mỹ nhưng có thể các bạn đã thấy nó ở đâu đó tại Việt Nam. Nếu lỡ như bạn thấy mình trong đó thì cũng hãy bình tĩnh, mua sách "Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ" về để đọc thêm nha (hehe, mình đùa thôi):

“Where are my doughnuts?” one of the boys asked. He looked to be about 8 years old.
“Sweetie, I thought we should save those for the plane,” his mom said.
“Where are my doughnuts? I want them right now!” he said more loudly.
“Honey, you just had dessert. Let’s wait till—”
“I WANT THEM RIGHT NOW!!”

“Trish, it’s time to put the cell phone away. We need to get ready to board,” the mom said. Her daughter ignored her. “Trish?”
“Mom, would you please SHUT UP. Can’t you see that I’m BUSY.”
“Trish? We need to get ready to board? The plane?” The mom’s words sounded like questions. Her daughter continued to ignore her.

Sometimes you have to wait before you eat the doughnuts. Sometimes you don’t get to eat the doughnuts at all. That’s life. (Đôi khi bạn phải chờ đợi để ăn bánh rán. Đôi khi bạn còn không được ăn cái bánh rán nào. Đó là "đời".)
Bình luận nhanh của mình: "haizz, phải cho trẻ vào đời sớm thôi".

Phần tiếp theo tác giả trình bày về những vấn đề làm trẻ béo phì ở Mỹ, ở Việt Nam thì mình cũng thấy là tỷ lệ trẻ béo phì ngày càng tăng, nói chung thì kinh tế phát triển thì cha mẹ cũng chú trọng hơn ăn uống cho con cái, chứ thời mình thì có ăn là niềm hạnh phúc rồi. Ba mình kể rằng bà nội cho mình ăn không bao giờ để rơi một hạt cơm, không để thừa một hạt cơm nào. Mình hồi 8 tuổi mới nặng 20kg, con mình giờ 4 tuổi đã nặng 21kg, may là cháu cũng cao nên nhìn cũng không mập lắm, hehe.
Chúc các bạn một ngày vui vẻ, hẹn gặp lại các bạn ở phần 04.