Văn hóa

Hầu như dù ít hay nhiều, chúng ta vẫn nghe tới cụm từ "văn hóa", chẳng hạn khi thấy người nước ngoài sống ở Việt Nam có những hành động hay sở thích hay cái gì đó khác chúng ta thì chúng ta đều thầm nghĩ: "ồ, văn hóa thật là khác biệt". Khi nói tới văn hóa là nói tới phong tục tập quán của các cá nhân trong cộng đồng nào đó, điểm nhấn ở đây là "cộng đồng", cộng đồng khác nhau sẽ có những quy tắc khác hẳn nhau, thậm chí đối lập một cách mãnh liệt. Để nhấn mạnh sự khác biệt đó, tác giả có ví dụ "quy tắc Fulghum" của mục sư Robert Fulghum viết trong một cuốn sách 3 thế kỷ trước và "quy tắc Hagakure" của Nhật Bản ở thế kỷ 17 (mình đưa vào từ quyển sách, sửa sửa 1 chút xíu). Chúng ta ngầm hiểu rằng, nếu đây là quy tắc của cộng đồng nào đó thì nó chính là văn hóa của cộng đồng đó. Hai cộng đồng này tồn tại ở một thời điểm gần gần nhau (3 thế kỷ trước vs thế kỷ 17), khác nhau về địa lý, chủng tộc...:

Quy tắc Fulghum

Chia sẻ mọi thứ

Chơi fairplay.

Không đánh người khác

Cất đồ lại nơi đã lấy ra

Tự dọn dẹp đồ mình bày ra

Không lấy những gì không thuộc về mình

Nói xin lỗi khi làm đau người khác

Rửa tay trước khi ăn

Giật nước dội bồn cầu

Sống cân bằng - học một chút và suy nghĩ một chút, vẽ vời, nhảy múa, ca hát, chơi và làm việc mỗi ngày một chút

Khi ra ngoài thì hãy coi chừng xe cộ, nắm tay và ở cạnh nhau

Quy tắc Hagakure

Nghệ thuật sẽ làm hủy hoại cơ thể. Trong mọi trường hợp, người thực hành nghệ thuật là người nghệ sĩ, không phải võ sĩ Samurai, và mỗi người phải có mục tiêu để trở thành một võ sĩ Samurai.

Lẽ thường không thể tạo ra những điều vĩ đại

Công việc của loài người là công việc nhuốm máu

Cách duy nhất để tranh nhục nhã... đơn giản là cái chết

Khi được lựa chọn chết hay không chết, tốt nhất là chết... đạo của võ sĩ Samurai nằm ở cái chết

Người đàn ông thực thụ không nghĩ về chiến thắng hay chiến bại. Anh ta lao mình táo bạo tới cái chết phi lý.

Nếu anh bị giết trong trận chiến, anh nên kiên quyết để quan tài của mình đối diện kẻ thù

[Cách tốt nhất] để nuôi dạy một đứa trẻ Samurai: nuôi dưỡng lòng dũng cảm từ lúc sơ sinh

Nếu các bạn thích đọc manga Nhật Bản thì hẳn những điều trên không có gì ngạc nhiên, văn hóa Võ sỹ đạo của Nhật Bản tuy khắc nghiệt nhưng được khắc họa lại rất rõ nét trong nhiều bộ manga nổi tiếng. Chúng ta không thích những điều đó thì cũng không thể bình luận nó đúng hay sai được, đơn giản là vì đó là văn hóa của người Nhật ở thế kỷ 17. Nó hoàn toàn khác hẳn với các quy tắc Fulghum, cái mà bây giờ chúng ta thấy nó hợp lý hơn. Khi mới đọc quy tắc Fulghum chúng ta thấy những điều này là những quy tắc đúng hiển nhiên và có thể trẻ con bẩm sinh sẽ có những tính tốt đó như câu "nhân chi sơ tính bổn thiện" nhưng không phải. Thực sự, những điều này là "văn hóa" của một cộng đồng và được cộng đồng truyền cho đứa trẻ chứ đứa trẻ sinh ra không được lập trình những điều này sẵn trong đầu.

Khoảng thời gian để "trưởng thành hoàn toàn" của con người thực sự dài khi so sánh với các loài động vật có vú khác, về thời gian lẫn tỷ lệ của thời gian này so với tuổi thọ. Chẳng hạn, ngựa trưởng thành hoàn toàn năm 4 tuổi, có tuổi thọ khoảng 25 đến 33 năm (tỷ lệ khoảng 12%) so với người trưởng thành hoàn toàn năm 23-25 tuổi, tuổi thọ khoảng 80 tuổi (tỷ lệ khoảng 30%). Những nhà nhân chủng khi so sánh các thời gian này với nhau sẽ vô cùng tò mò rằng quãng thời gian này của loài người sao lại dài hơn hẳn các loài khác như thế? Các nhà nghiên cứu đồng ý với nhau rằng quãng thời gian này, là để tiếp nhận văn hóa, đứa trẻ sẽ học tập, thực hành nhuần nhuyễn các phong tục tập quán nơi trẻ sinh sống thông qua "quan sát người lớn hoặc được người lớn chủ động hướng dẫn". Khi chúng ta trên 25 tuổi (qua tuổi trưởng thành hoàn toàn) thì dù não chúng ta có tính linh hoạt đi chăng nữa thì chúng ta cũng khó lòng học được nhuần nhuyễn một ngôn ngữ mới, hay tiếp thu được một văn hóa mới, tác giả đã dùng từ "vật lộn cả đời" để cho thấy sự khó khăn này. Rõ ràng, chúng ta cũng quan sát thấy rằng dù có nhiều người sống ở nơi văn minh hơn hẳn, nhưng vẫn nhớ quê và muốn về quê, đơn giản là vì văn hóa quê nhà đã in rất sâu trong tâm trí họ và nó được in vào đầu trước khi người đó trưởng thành hoàn toàn.

Khi người nước ngoài ở Việt Nam, các quy tắc trong xã hội chúng ta sẽ hoàn toàn khác với của họ và người ta sẽ cảm thấy lạ lẫm. Vì chúng ta là người Việt Nam, chúng ta đã thấm nhuần nhiều nét đặc trưng của Việt Nam nên không còn thấy lạ lẫm nữa. Một vài người nước ngoài sống lâu năm ở Việt Nam đã viết thành sách về văn hóa Việt Nam, chẳng hạn "Ngược chiều vun vút" của anh Joe Ruelle người Canada. Anh viết với phong cách dí dỏm, mô tả lại nhiều nét rất đặc trưng của Việt Nam mà chúng ta không hề nhận ra rằng nó kỳ lạ (trên mạng có nhiều bản pdf, các anh chị tò mò có thể tự Google rồi download, cam đoan là đọc vui, thấy được mình trong đó, thấy được cái hay cái dở của văn hóa mình trong đó). Có thể đọc online thử tại đây.

Bạn mình hồi còn làm giảng viên ĐH Tự nhiên có kể cho mình câu chuyện thế này: năm đó khoa Vật lý của bạn có vinh dự mời được một Giáo sư (GS) nước ngoài từng đạt giải Nobel về nói chuyện, tới phần đặt câu hỏi thì câu hỏi đại ý như "em thích Vật lý, nhưng cha mẹ em muốn em học kinh tế/kinh doanh/ngoại thương... thì em phải làm sao?" xuất hiện với một tần suất khá nhiều. Khi ban tổ chức dịch lại cho GS thì mặt GS nghệch ra, không hiểu các đồng chí sinh viên này đang muốn hỏi cái gì, có lẽ GS đang nghĩ trong đầu rằng "thích Vật lý thì học Vật lý, cha mẹ gì ở đây". Nếu chúng ta biết một chút xíu về văn hóa Âu-Mỹ thì hẳn chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được sự ngạc nhiên tột độ tới mức nghệch mặt ra của GS, và chúng ta cũng biết luôn rằng hẳn là ông đã không hiểu văn hóa Việt Nam.

Quay lại "quy tắc Fulghum" ở trên, mình cảm thấy ở tuổi 0-6 thì chỉ cần nhuần nhuyễn những quy tắc đó cũng rất tốt rồi, nếu trường mầm non mà có thêm tiếng Anh nữa thì càng tốt vì dù sao trẻ cũng cần trang bị thêm tiếng Anh cho mai sau. Hẳn các bạn cũng biết là trẻ em Mỹ không giỏi Toán lắm, nên có một thời gian giáo dục Mỹ bị chê là đang tụt hậu so với các nước như Nhật Bản, Trung Quốc... và bị bỏ càng ngày càng xa. Thế nên tác giả có nêu ví dụ về việc nhiều trường ở Mỹ đã tăng cường dạy học thuật như đánh vần cho các trẻ mầm non và bỏ đi những thứ mà nhà trường coi là "phù phiếm" như dã ngoại, múa hát vòng tròn. Chúng ta cũng thấy rằng ở Việt Nam tình hình cũng tương tự, trẻ vô lớp 1 thì đã bị yêu cầu phải thành thạo chữ viết và số, mình nhấn mạnh là "thành thạo" chứ không phải chỉ là "biết" thôi nhé. Hồi đó, chị trong công ty mình kể rằng khi con học lớp 1, cô hỏi con chị ấy đây là chữ gì, con chị ấy trả lời chậm bị cô chê: "dở, chữ này mà cũng không biết". Cháu có biết chữ đó rồi, đơn giản là chưa thành thạo nên trả lời chậm, thế là bị cô chê ngay. Mà trẻ con thì rất dễ bị cô ảnh hưởng, cô chỉ cần chê công khai là lạng quạng bị bạn bè xa lánh ngay. Thiệt là cười không nổi.... Điều này cũng giải thích cho việc có phương pháp giáo dục yêu cầu phải training giáo viên rất kỹ và giáo viên phải đi theo trẻ liên tục 7 năm (phương pháp Waldorf-Steiner).

Rõ ràng, việc đặt nặng học thuật thì nhiều khả năng sẽ lơ là trong việc dạy trẻ những kỹ năng để làm người tốt trong nền văn hóa này. Các kĩ năng về kiềm chế cơn giận, tự kỷ luật, kiên nhẫn, hợp tác với bạn khác... mới là các kĩ năng sống còn cần phải dạy trẻ trong độ tuổi mầm non thì lại không được nhà trường chú trọng, điều đó có nghĩa là các gánh nặng này hoàn toàn bị đặt lên vai của cha mẹ, nhưng khổ nổi cha mẹ vì một lí do nào đó (bận mưu toan cuộc sống chẳng hạn) không ý thức được vài trò này, và "hoang mang về vai trò" của mình. Trẻ thì bơ vơ trong việc học văn hóa, nhà trường thì chú trọng học thuật, cha mẹ thì hoang mang, xã hội thì hỗn loạn, dẫn tới việc trẻ sẽ coi ý kiến của bạn bè quan trọng hơn của cha mẹ lẫn thầy cô.

Nhưng một đứa trẻ khác đồng trang lứa, liệu có đủ kĩ năng, kiến thức để hướng dẫn cho bạn của mình?. Câu trả lời là: KHÔNG, thế nên trẻ sẽ dễ mất phương hướng, và xu thế sẽ tạo ra những đứa trẻ "vô ơn pha thêm coi thường" đối với cha mẹ. Hẹn gặp lại các bạn ở phần 03.