Và người lớn cũng học tiếng Anh nữa
Ở các phần trước, mình đã giới thiệu về các giai đoạn trẻ học tiếng Anh cũng như vài quyển sách và kênh Youtube. Thực sự, nguồn học tiếng Anh rất nhiều, với sự có mặt của Internet, bây giờ chỉ sợ không chịu học, chứ không sợ không có nguồn học, muốn học thì trên trời dưới đất gì cũng có.
Hồi đi tìm trường cho con, vợ chồng mình đã tìm hiểu và đi rất nhiều trường, nói chuyện với rất nhiều giáo viên và các bạn sale tư vấn của các trường Quốc tế. Một hôm mình đến một trường Quốc tế kia, mình đang ngồi chờ nên ngồi cố gắng quan sát các phụ huynh và trẻ em ở đó. Mình nhận ra một điều là năng lực tiếng Anh của trẻ là từ 70-80% năng lực tiếng Anh của phụ huynh. Mình thấy phụ huynh nào trò chuyện với trẻ nhiều hoặc phụ huynh nào có năng lực tiếng Anh tốt thì con cũng có năng lực tiếng Anh tốt. Tất nhiên là mình đi một vòng coi cho biết thôi, chứ tài chính nhà mình không đủ cho con học trường Quốc tế, bé nhà mình chỉ học trường có tiếng Anh từ các cô Philipines. Sau này khi con vào trường học, mình mới phát hiện có một cháu hơn 2 tuổi tiếng Anh rất tốt, ngang ngửa với con của bạn mình ở Canada. Sau này mới thấy mẹ cháu vô trường, tiếng Anh cũng mẹ cháu rất tốt, rất lưu loát. Sau khi quan sát nhiều lần, mình chợt nhận ra rằng muốn con mình tốt tiếng Anh, thì trước tiên mình phải tốt tiếng Anh, mà tiếng Anh mình đang khá tệ, nên mình phải đi học.
Mình tuy chưa lớn tuổi, nhưng học tiếng Anh tiếp thu rất là chậm. May sao cô giáo người Anh cũng khá nhiệt tình, cô tốt nghiệp Master ngành Art và Education ĐH Manchester, tư vấn nhiệt tình cho mình về dạy tiếng Anh cho bé. Cô nói tiếng Anh của mình phát âm không tốt, khi nói chuyện với trẻ thì cố gắng nói chậm, phát âm đầy đủ các âm cuối (final sound), tuyệt đối không được nói nhanh nhưng nói thiếu âm. Cô hay chọc mình là người Việt Nam hay hỏi cô nói dối cái gì, cô trả lời rằng tôi chẳng nói dối gì cả. Thực ra, cô đùa thôi, cô biết người Việt Nam hỏi cô thích gì (what do you like?) nhưng chữ "like" không phát âm "k" ở cuối, đây là một âm phải phát ra rất mạnh như khạc ra nên thành ra cô nghe thành "What do you lie?". Người Việt Nam thì do tiếng Việt có dấu nên ít khi phát âm final sound đầy đủ. Cô và mình cũng trao đổi cả khối vấn đề linh tinh khác, về dạy nghệ thuật âm nhạc cho trẻ, khi nào thì nên bắt đầu v.v... Cô và mình đều cứng đầu nên tranh cãi cũng nhiều, nhiều khi các học viên khác thấy hai người nói chuyện khá là to tiếng, mặt mày căng thẳng. haha.
Một vài phụ huynh chia sẻ với mình là sau khi sinh con, tiếng Anh mười mấy năm không sử dụng nên nói rất ngượng miệng và rất âm phát ra nghe rất cứng. Chị ấy quyết định đi học đi học một khóa phát âm tiếng Anh và tối nào cũng thực hành cùng con. Mình cũng thấy là bé nhà chị ấy nói tiếng Anh cũng khá tự nhiên và tương đối tốt so với các trẻ cùng lứa. Tất nhiên có tiền và thời gian để học một khóa phát âm thì rất tốt, nên chọn các trung tâm có giáo viên nước ngoài bản xứ dạy để phát âm đúng như người bản xứ, điều này giúp ích cho trẻ rất nhiều, vì nếu trẻ phát âm sai sau này sẽ mất rất nhiều thời gian để sửa. Cái này cũng tùy theo mục tiêu của từng nhà, có phụ huynh chỉ muốn con hiểu được tiếng Anh, nói tương đối là được. Có nhà thì mục tiêu là song ngữ, tiếng Anh phải đạt 80-90% như người bản xứ.
Tất nhiên là không phải ai cũng sắp xếp được thời gian hay tiền bạc để học trung tâm, mình lại tiếp tục giới thiệu các
nguồn trên Youtube. Một kênh mà khá là vui là kênh dạy phát âm của anh Kenny
N.
Nói chung thì anh ấy không phải người bản xứ nên cũng có những hạn chế nhất định trong phát âm, nhưng coi vui, anh ấy
lại lấy ví dụ gần gũi với người VN. Nói chung coi mà phát âm tiếng Anh không lên thì cũng tốt để giải stress.
Anh chị phụ huynh coi thử một ví dụ:
Một kênh khá vui khác là kênh của anh
Dan
Hauer.
Hình như anh ấy nghỉ làm clip trên Youtube lâu rồi, nhưng cứ coi lại những clip cũ anh ấy làm, mình thấy rất
giá trị. Nhờ xem clip phía dưới mà mình thực sự chú trọng vào phát âm, nghe lời cô giáo tiếng Anh của mình hẳn luôn,
đồng thời cũng nhận thức được là thứ mình đang nói là Vinglish chứ không phải English:
Một kênh khác là kênh CờRítỞChâuÁ, sau đổi tên thành The Art of Travel.
Bạn này học ngoại ngữ rất tốt, học tiếng Việt một năm mà nói rất tốt, ngoài ra bạn ấy là một Polyglot
chính hiệu, biết rất nhiều ngoại ngữ. Ở dưới là minh họa việc bạn ấy học ngoại ngữ:
Mình thì cũng biết tiếng Anh sơ sơ, nên mỗi ngày mình cố gắng đọc 1 đoạn văn ngắn tầm 2-3 phút, rồi ghi âm lại.
Mình hay dùng laptop và dùng phần mềm ghi lại màn hình, ghi âm rồi coi lại. Trên smartphone cũng có những
app quay lại màn hình, mình sử dụng AZ Screen
Recorder
trên điện thoại Android. Các phụ huynh có thể lên trang web nào đó tiếng Anh, đọc từng từ một cách từ tốn, đầy
đủ final sound. Sau một thời gian thì phát âm của mình có cải thiện chút đỉnh. Phía dưới là một ví dụ mình đọc
hằng ngày, nếu anh chị phụ huynh thấy mình nói chuyện nghe bình thường mà sao ghi âm lại nghe thấy ghê quá thì
cũng bình thường, ai cũng thế cả. Rất nhiều bạn complain với mình rằng "ghi âm lại giọng mình nghe lại thấy nó
ghê ghê", cứ relax và làm thôi, mọi thứ sẽ được cải thiện theo thời gian:
Lời kết
Có vài phụ huynh cho rằng không nên đặt nặng tiếng Anh cho trẻ mà chỉ coi nó là một môn học như một môn khác. Mình cũng không có ý kiến gì, nhưng mình cảm thấy với trẻ em thì tiếng Anh không là môn học mà phải để trẻ tiếp thu một cách tự nhiên, một cái gì đó như không khí hít thở, như cơm ăn nước uống hằng này, học mà như không học.
Seri 4 phần này mình viết về việc học tiếng Anh cho trẻ, nhưng
không phải chỉ tiếng Anh, mà phụ huynh phải ý thức được vai trò, anh hưởng của mình tới trẻ ở rất rất nhiều mặt khác.
Phụ huynh thường
mong con mình ở một tương lai rất đẹp nhưng lại quên mất rằng để có được điều như thế thì bản thân người làm
cha mẹ cũng phải cố gắng rất nhiều. Dù trong hoàn cảnh nào thì bậc làm cha mẹ của chúng ta cũng phải cố gắng
nỗ lực, làm gương cho trẻ. Để kết thúc seri dạy trẻ tiếng Anh này, mình xin lấy một tấm hình từ
Gia đình gãi ngứa để minh họa: